Em trai tỉ phú Elon Musk chạy đua làm cách mạng nông nghiệp

14/03/2020 10:35 GMT+7
Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật đang trở nên thịnh hành và các trang trại theo phương pháp “canh tác nhiều tầng” (vertical farming) đang dần trở thành một xu hướng mới trong nông nghiệp hiện đại.
 - Ảnh 1.

Một trang trại húng quế trồng theo mô hình canh tác nhiều tầng của Square Roots. Ảnh: Sky News

Hệ thống canh tác nhiều tầng (còn gọi là “nông trại thẳng đứng”) là một phương pháp nông nghiệp tại gia dành cho những khu vực bị hạn chế về đất canh tác, theo đó cây trồng sẽ được trồng trong các lớp xếp chồng lên nhau và thường không dùng đến đất.

Điều này ngày một phổ biến hơn do dân số đô thị đang tăng nhanh trong khi đất trồng trọt nông nghiệp giảm mạnh.

Em trai của tỉ phú Elon Musk, ông Kimbal Musk, người được mệnh danh là “Doanh nhân xã hội toàn cầu" năm 2017, đã lập ra Square Roots, một công ty nông nghiệp đô thị trong nhà vào năm 2016, tập trung vào canh tác theo phương pháp nhiều tầng, có trụ sở tại Brooklyn (Mỹ). 

Nhiệm vụ chính của công ty này là mang nguồn thực phẩm địa phương tươi sống đến các khu đô thị trên khắp thế giới, bằng cách trao quyền cho thế hệ trẻ tham gia vào canh tác nông nghiệp đô thị theo mô hình mới.

Ông Kimbal cho biết, ”hồi còn trẻ, cách duy nhất để tôi có thể kết nối mọi thành viên trong gia đình cùng ngồi xuống với nhau là nấu một bữa ăn”. 

Công ty ông đang lên kế hoạch mở một "Siêu thị nông trại" Square Roots - với khả năng cung ứng 25 container được kiểm soát điều kiện khí hậu, kho lạnh, cơ sở hạ tầng an toàn sinh học và mọi thứ khác cần thiết để điều hành một trang trại canh tác nhiều tầng ở quy mô lớn trong vòng chưa đầy 3 tháng. 

Square Roots hiện đã trồng thành công hơn 120 loại cây trồng, bao gồm rau xanh và dâu tây theo phương pháp mới.

 - Ảnh 2.

Kimbal Musk đang hướng dẫn các em nhỏ ở California canh tác theo phương pháp mới. Ảnh: Sky News

Theo Sky News, công ty của em trai Elon Musk không phải là nơi đầu tiên thực hiện phương pháp canh tác nhiều tầng này. Các công ty khởi nghiệp như Plenty ở Thung lũng Silicon được thành lập năm 2013 và được CEO Jeff Bezos của Amazon hỗ trợ cũng từng có các nỗ lực tương tự.

Kheir Al-Kodmany, một giáo sư về thiết kế đô thị bền vững tại Đại học Illinois ở Chicago cho biết, các nhà môi trường, nông dân đô thị, kiến trúc sư, nhà nông học, và các chuyên gia y tế công cộng... đã tham gia cuộc cách mạng nhỏ này khi họ hợp tác để tìm cách cứu vãn một tương lai khan hiếm thực phẩm và đô thị hóa ở mật độ cực cao.

Hệ thống canh tác nhiều tầng bao gồm các kỹ thuật khác nhau, chẳng hạn như thủy canh - sử dụng các dung dịch dinh dưỡng khoáng trong nước; hay là phương pháp sử dụng các sinh vật dưới nước - như cá và ốc sên để trồng cây trong nước, trồng cây trong không khí.

Nhà vi trùng học Dickson Despommier, giáo sư danh dự về sức khỏe cộng đồng và môi trường tại Đại học Columbia cho rằng, biến đổi khí hậu nhanh chóng sẽ khiến hàng triệu nông dân truyền thống bị phá sản, nhưng nông dân canh tác theo phương pháp thẳng đứng này sẽ không bị ảnh hưởng. 

Mặc dù canh tác thẳng đứng được giới thiệu lần đầu tiên vào đầu những năm 1900, nhưng gần đây nó đã được Despommier phổ cập rộng rãi.

Despommier đã dành hẳn một thập kỷ để tham gia trồng trọt trong nhà với các sinh viên của mình và cho rằng đèn LED đã cải thiện đáng kể hiệu quả canh tác trong 5 năm qua, khiến việc trồng trong nhà rẻ và đáng tin cậy hơn. 

Ông còn cho rằng, khi các trang trại ngoài trời thất bát thì họ phải chờ đến vụ mùa sau, nhưng với trang trại trong nhà thì người nông dân có thể bắt đầu lại ngay mà không cần chờ đợi lâu.

Theo Thanh Niên
Cùng chuyên mục