EU kiểm soát dư lượng Furan và Alkylfurans, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước hoa quả đặc biệt chú ý

31/03/2022 16:50 GMT+7
EU đã đăng công báo khuyến nghị số 2022/495, khuyến nghị các nước thành viên tăng cường quản lý sự có mặt của Furan và Alkyfurans trong thực phẩm.

Furan và Alkylfuran là hợp chất sinh ra trong quá trình xử lý nhiệt, có thể gây ung thư, và thường tìm thấy trong cà phê, thực phẩm đóng hộp của trẻ em, bánh bisquit, nước hoa quả, súp ăn liền, ngũ cốc ăn sáng, các loại snack ròn, khoai tây sấy.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, đây là khuyến nghị để các nước thành viên EU tăng cường theo dõi dư lượng Furan và Alkyfurans. Dự báo trong thời gian tới, các nước thành viên EU sẽ thường xuyên lấy mẫu với các sản phẩm liên quan và tiến hành phân tích dư lượng. Mức dư lượng cho phép với cà phê là dưới 20 µg/kg, với các thực phẩm khác là 5 µg/kg.

EU kiểm soát dư lượng Furan và Alkylfurans, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước hoa quả đặc biệt chú ý - Ảnh 1.

EU khuyến nghị các nước thành viên kiểm soát dư lượng Furan và Alkylfurans trong thực phẩm. Ảnh: CT

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Việt Nam xuất khẩu nhiều cà phê và một số nước hoa quả, do vậy, đề nghị doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến sự có mặt của các chất này trong sản phẩm của mình. Nếu trong các sản phẩm của Việt Nam có dư lượng Furan và Alkylfuran vượt mức với tần suất nhiều thì các sản phẩm đó có khả năng sẽ bị đưa vào cảnh báo.

EU hiện là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường EU sẽ giúp ngành hàng tăng trưởng ổn định và khẳng định chỗ đứng vững trên thị trường thế giới. Ngay từ khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã đưa thuế đối với nhiều dòng sản phẩm cà phê của Việt Nam về 0%, tạo điều kiện giúp ngành hàng cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại EU. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cộng với những khó khăn trong hoạt động logistics khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU năm 2021 giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá (do giá xuất khẩu tăng).

Với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu. 

Trong số các thị trường thành viên EU, cà phê Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 377 triệu USD), Italy (đạt 205 triệu USD), Tây Ban Nha (đạt 119 triệu USD) và Bỉ (đạt 97 triệu USD)...

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục