Chủ đầu tư dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn hơn 3.600 tỷ đồng làm ăn ra sao?

15/05/2023 06:45 GMT+7
Dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng do Everland Vân Đồn, công ty con Everland Group (EVG) làm chủ đầu tư. Trong quý I/2023, lợi nhuận sau thuế của EVG đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Everland Group lên kế hoạch lãi ròng 57 tỷ đồng

Công ty cổ phần Tập đoàn Everland (Everland Group, HoSE: EVG) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức vào ngày 31/05/2023 tại Hà Nội.

Năm 2023, Everland Group dự trình mục tiêu tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.800 tỷ đồng; lợi nhuận gộp kỳ vọng 138 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 65,6 tỷ đồng. Công ty mẹ đặt mục tiêu tới doanh thu thuần đạt 850 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bất động sản đạt 170 tỷ, thi công công trình 100 tỷ đồng, thương mại đạt 550 tỷ đồng và dịch vụ 30 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 57 tỷ đồng.

Dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 30/4/2022. Dự án do Công ty cổ phần Everland Vân Đồn (công ty con Everland Group) làm chủ đầu tư.

Trong năm 2023, EVG sẽ tập trung nguồn lực cao độ thi công dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, đồng thời tập trung đẩy nhanh các công việc còn lại của thủ tục pháp lý đất đai và xây dựng để có thể khởi công các Dự án khác như: Crystal Holidays Heritage Lý Sơn (Quảng Ngãi), Crystal Holidays Marina Phú Yên, Xuân Đài Bay (Phú Yên) và dự án thành phần Khu đô thị Bốn mùa thuộc Tổ hợp Đô thị - Du lịch Flower World Sa Đéc (Đồng Tháp).

Chủ đầu tư dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn hơn 3.600 tỷ đồng làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Doanh nhân Lê Đình Vinh hiện là Chủ tịch HĐQT EverLand, chủ đầu tư dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tại Quảng Ninh. Ảnh tiến độ dự án đến cuối 2022 - nguồn: nhatoday

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá và chọn lựa một số dự án có tiềm năng phát triển và sinh lời, có cơ sở pháp lý đầy đủ để thỏa thuận nhận chuyển nhượng hoặc hợp tác đầu tư, khai thác, phù hợp với nguồn lực hiện có của Tập đoàn.

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ghi nhận hơn 23 tỷ đồng, trong đó Công ty dự trình chi 2,3 tỷ đồng (10%) cho Quỹ đầu tư phát triển; chi hơn 1,1 tỷ đồng (5%) cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi; chi 492 triệu đồng trả thù lao cho HĐQT, Ban Kiểm Soát; lợi nhuận còn lại để tái đầu tư. Công ty không có kế hoạch chi cổ tức năm 2022. Cổ tức năm 2023 dự kiến chia 2,65%.

Everland Group làm ăn ra sao trong quý I/2023?

Trong quý I/2023, Everland Group ghi nhận doanh thu thuần tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022 lên 285,2 tỷ đồng; giá vốn bán hàng tăng 6,2% nên lợi nhuận gộp kỳ này giảm 20,6% xuống 8,6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,4 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản EVG tính tới 31/03 tăng nhẹ so với đầu năm lên 2.685 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 2 lần lên 60,5 tỷ đồng.

Chủ đầu tư dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn hơn 3.600 tỷ đồng làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

BCTC hợp nhất quý I/2023 của Everland Group.

Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng 19% lên 476,7 tỷ đồng. Trong đó, phải thu Công ty TNHH Thương mại Hà Vĩnh ghi nhận 239 tỷ đồng; thu Công ty cổ phần Quốc tế Phương Anh 111,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trả trước cho Công ty TNHH TM và Dịch vụ Công nghiệp Hùng Quân 80,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại An Thuận 75,4 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bất động sản và Xây dựng Kinh Bắc 67,5 tỷ đồng... tổng các khoản này chiếm 21% tài sản của Everland.

Hàng tồn kho trong kỳ tăng gần 5% lên 193,2 tỷ đồng.

Đối với chi phí xây dựng cơ bản dở dang đến cuối quý I/2023, EverLand ghi nhận số tiền là 667,2 tỷ đồng. Trong đó, dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn chiếm phần lớn khoản chi phí này, đạt 467 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng Vũng Lắm là 107,4 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay là gần 92 tỷ đồng;  Dự án khu đô thị Nam Sông Cầu là 1,1 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả tăng 27,2% lên 83 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 82,6 tỷ đồng; phải trả người bán ngắn hạn tăng 35,6% lên 64,3 tỷ đồng.

Everland được thành lập từ năm 2009 với lĩnh vực kinh doanh ban đầu là cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng công trình. Đến năm 2016, doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khởi đầu bằng việc liên kết, hợp tác với các đối tác để tham gia đầu tư một số dự án tại Hà Nội, Bắc Ninh, trước khi xin lập và mua lại dự án có sẵn.

Đến tháng 6/2017 Everland đã đưa 30 triệu cổ phiếu EVG lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Cũng kể từ đây, tập đoàn liên tục tăng vốn điều lệ qua các đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đẩy chỉ tiêu này tăng gấp 7 lần, từ 300 tỷ đồng lên 2.152 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 3/2023, Chủ tịch HĐQT EVG Lê Đình Vinh nắm giữ 26,3%, ông Nguyễn Thúc Cẩn (7,5%) và Công ty TNHH Dream House Asia (5,4%). 

Ông Vinh được biết đến là "người cũ" trong cơ cấu lãnh đạo của FLC khi từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC.

Ông Vinh sinh năm 1972, quê quán ở Vĩnh Phúc, thạc sĩ Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội, Tiến sĩ Luật – Trường Đại học Tổng hợp Kyushu (Nhật Bản).

Ông cũng từng có một thời gian dài giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này, cũng như P.TGĐ Công ty Luật TNHH SmiC, rồi sau đó mới tách ra là riêng. Ngoài ra, ông Vinh cũng là người từng gây xôn xao khi tranh cử Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội.


O.L
Cùng chuyên mục