Lộ tham vọng về ngành nông nghiệp và kế hoạch niêm yết của Siba Group, tổ chức liên quan đến ông Trương Sỹ Bá
Siba Group, tổ chức liên quan đến ông Trương Sỹ Bá muốn niêm yết trên HoSE
Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba (Siba Group) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về ĐHĐCĐ thường niên 2023, được tổ chức thành công vào ngày 11/05 vừa qua.
Theo đó, Siba Group đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 4.101 tỷ đồng, trong đó mảng nông sản kỳ vọng mang về 3.500 tỷ đồng, mảng cơ khí 600 tỷ đồng và mảng năng lượng tái tạo 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua tờ trình của HĐQT về báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng năm 2022 đã được kiểm toán. Theo đó, tổng số tiền thu được từ chào bán cổ phiếu là 150 tỷ đồng, chi phí hết 175,5 triệu đồng; số tiền ròng mang về hơn 149,8 tỷ đồng và đã sử dụng toàn bộ số tiền này.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Đại hội thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 22% vốn điều lệ. Tổng số lượng cổ phiếu dự kiến sau phát hành là 38,5 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành đạt 385 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Đại hội đã thông qua tờ trình về việc niêm yết cổ phiếu công ty tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trước đó, tháng 04/2022, ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua chủ trương thực hiện phương án chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết cổ phiếu Siba Group trên HoSE.
Trong năm 2022, HĐQT đã thực hiện chào bán lần đầu ra chông chúng thành công 10 triệu cổ phiếu. Đồng thời nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 25 triệu cổ phiếu đã phát hành của Công ty tại HoSE. Hồ sơ niêm yết của Siba Group đang trong thời gian HoSE thẩm định. Theo đó, trong năm 2023 Công ty tiếp tục niêm yết cổ phiếu tại HoSE.
Được biết, Siba Group là tổ chức liên quan ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Nông nghiệp BaF Việt Nam. Tại Siba Group, ông Trương Sỹ Bá đang là thành viên HĐQT. Vốn điều lệ của Siba Group tính tới tháng 01/2023 ghi nhận 250 tỷ đồng.
Phiên thảo luận:
Với vai trò là cổ đông lớn của Siba Group (SBG), Chủ tịch Siba Holdings định hướng phát triển và cam kết hỗ trợ cho Siba Group trong thời gian tới như thế nào?
- Cơ sở thứ nhất: Đất nước đang phát triển với sự hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh, ngành công nghiệp phụ trợ và cơ khí CNC là ngành rất tiềm năng trong tương lai để phát triển đất nước, các công ty nước ngoài vào xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Cơ sở thứ 2: Hệ sinh thái của các tập đoàn đa ngành nghề, đặc biệt về nông nghiệp kinh doanh lúa gạo, chăn nuôi rất cần cơ khí hỗ trợ, trong đó ngành chăn nuôi thì thiết bị chuồng trại trước đây phải nhập khẩu từ nước ngoài, giờ đây Việt Nam có thể sản xuất được, các thiết bị được nội địa hóa dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, không lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu. SBG có nền tảng về năng lực sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm để có năng lực tham gia đấu thầu trong nước và sau này là quốc tế.
Hiện tại và thời gian tới Công ty dự kiến sẽ có 3 nhà máy cơ khí tại (Bạc Liêu, Vũng Tàu, Nghệ An). Đề nghị Ban lãnh đạo cho biết mục tiêu chiến lược cho từng nhà máy này là gì?
- Hiện nay đang có một Nhà máy cơ khí đang hoạt động với 100% công suất tại KCN Trà Kha tỉnh Bạc Liêu với Công suất gia công phụ trợ Gia công chi tiết thiết bị phụ tùng công nghiệp phụ trợ công nghệ cao CNC 8.500.000 sản phẩm/tháng, gia công nhà kèo thép, nhà xưởng 1.500 sản phẩm/năm. Hai nhà đang xây dựng tại Vũng Tàu và Nghệ An.
Nhà máy thứ hai tại Vũng Tàu đã được cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng, về công suất sản xuất và thi công nhà kèo thép, nhà xưởng đạt 1.000 – 1.200 tấn/tháng, gia công thép tấm: 500-700 tấn/tháng.
Nhà máy thứ 3 tại Nghệ An với có mức đầu tư 320 tỷ đồng với công suất Sản xuất và thi công Nhà kèo thép (600 tấn – 800 tấn/tháng). Sản phẩm gia công thép tấm: nội thất văn phòng, nội thất gỗ, tủ điện, thang máng cáp, quạt công nghiệp.
Về chiến lược lâu dài khi 3 nhà máy đi vào hoạt động hết công suất tầm nhìn đến năm 2025, doanh thu mảng cơ khí của công ty đạt trên 2.000 tỷ, hướng tới trở thành công ty dẫn đầu về cơ khí công nghệ cao, nhà máy Bạc Liêu sẽ tập trung thị trường các tỉnh miền tây chuyên cung cấp các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp sấy trữ nông sản và các sản phẩm tráng phũ kẽm cho nuôi trồng thủy hải sản.
Nhà máy Vũng Tàu với công suất lớn nhất sẽ tập trung vào các sản phẩm trang trại nuôi heo nhà kèo, khung truồng, quạt thông gió, ... phục vụ chăn nuôi cho các tỉnh Tây Ninh, Tây Nguyên, Phú Yên và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.
Nhà máy tại Nghệ An tập trung các sản phẩm nhà kèo thép cho nhà xưởng công nghiệp, các nội thất văn phòng từ kim loại và gỗ để tận dụng nguồn gỗ từ Lào phục vụ thị trường các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Vì sao Siba Group chọn sản phẩm cơ khí phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp là ngành mũi nhọn? Đây có phải là lựa chọn phù hợp nhất đưa doanh nghiệp phát triển bền vững hay không?
- Công nghiệp cơ khí chế tạo sản xuất ra máy móc, thiết bị cung cấp cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng chúng tôi chọn nông nghiệp là ngành mũi nhọn vì đây thực sự là một thị trường đầy tiềm năng.
Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản. Việt Nam là một đất nước coi trọng vai trò then chốt của nông nghiệp. Ngành nông nghiệp được xem là bệ đỡ của nền kinh tế nước ta.
Hiện nay, sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Ngoài ra rất chú trọng ứng dụng những thiết bị hiện đại vào ngành nông nghiệp để tối ưu hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất.
Lĩnh vực nông nghiệp được coi là một trong những ngành có tiềm lực phát triển rất lớn, đồng thời cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước. Việc đầu tư vào sản phẩm cơ khí phục vụ cho lĩnh vực này sẽ giúp Siba Group đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp của quốc gia, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của thị trường và xã hội.
Vì vậy, việc chọn sản phẩm cơ khí phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp là ngành mũi nhọn của Siba Group là một lựa chọn đúng đắn và có tiềm lực phát triển bền vững.
Ở lĩnh vực kinh doanh năng lượng sạch, đề nghị ban lãnh đạo đánh giá tiềm năng về mảng điện áp mái (điện mặt trời) trong thời gian tới? Lý do gì mà các dự án điện áp mái tại các nhà máy gạo do các công ty con chưa được triển khai trong 2 năm qua? Kế hoạch triển khai mảng này trong thời gian tới như thế nào?
- Qua khảo sát, các tỉnh Duyên hải miền Trung và các tỉnh miền Tây của nước ta có thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng mặt trời cao, phù hợp để phát triển điện mặt trời. Ngoài ra điều kiện về pháp lý và vốn đầu tư vào điện áp mái khá dễ dàng. Với dự án điện áp mái công suất từ 1MW trở xuống sẽ không cần chủ trương đầu tư và Giấy phép xây dựng, vốn đầu từ vào khoảng 20-30 tỷ đồng/dự án.
Đánh giá về tiềm năng và điều kiện tham dự như vậy, Siba đã thành lập 2 công ty để triển khai thí điểm các dự án điện áp mái với tổng công suất 3 MW: Công ty TNHH MTV Năng Lượng Sạch VMECO Bạc Liêu khai thác 1 dự án công suất 1MW tại mái nhà máy Cơ khí của Công ty tại Bạc Liêu, hiện dự án đang hoạt động và tạo doanh thu khoảng gần 2 tỷ đồng/năm. Trong đó doanh thu phục vụ cho nhà máy cơ khí Bạc Liêu khoảng 500tr đồng và doanh thu bán điện hòa lưới quốc gia năm 2022 là 1,5 tỷ đồng.
Về 2MW điện áp mái khác được triển khai tại nhà máy gạo Hạnh Phúc – huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được khai thác bởi Công Ty TNHH MTV Năng Lượng Sạch VMECO Bạc Liêu (1MW) và Công Ty TNHH MTV Năng Lượng Sạch VMECO Đồng Tháp (1MV). Về dự án này vẫn đang triển khai chưa đi vào khai thác được do nhiều nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất: do nhà máy gạo Hạnh Phúc đang trong thời gian hoàn công, chạy thử nghiệm, chưa chính thức hoạt động vì vậy phần điện bán cho nhà máy gạo chưa được triển khai.
Nguyên nhân thứ hai: do Bộ Công Thương mới đây ra quy định mới và chưa thống nhất được giá điện của các dự án điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia. Vì vậy phần điện bán cho lưới điện quốc gia cũng chưa thực hiện được.
Trong thời gian tới, khi nhà máy gạo Hạnh Phúc đi vào hoạt động chính thức và Công ty ký được hợp đồng bán điện cho lưới điện quốc gia dự án điện tại nhà máy gáo hạnh phúc dự kiến sẽ mang về doanh thu 4 tỷ/năm. Công ty cũng sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để đầu tư thêm các dự án điện áp mái với công suất dưới 1MW trong thời gian tới.