Eximbank đang dần trở lại thời hoàng kim, báo lãi 2022 gấp hơn 3 lần năm trước
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 cũng như cả năm 2022.
Phần lớn các mảng kinh doanh của Eximbank có lãi tích cực trong năm qua. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ, đạt 5.592 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 514 tỷ đồng, tăng 19%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% lên 606 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động khác tăng 68% lên 428 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là xử lý và thu hồi nợ. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, đạt 87 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 7.233 tỷ đồng, tăng 53,6% so với năm trước
Trong quý vừa qua, để có nguồn thu tăng mạnh, Eximbank cũng phải chi ra hơn 1.200 tỷ đồng chi phí hoạt động, bao gồm chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí, chi cho nhân viên, chi về tài sản… Khoản chi này đã tăng 78% so với cùng kỳ và tăng cao hơn nhiều mức tăng doanh thu, khiến lãi thuần trước chi phí dự phòng của Eximbank sụt giảm. Với các diễn biến này, Eximbank đã thu về 3.709 tỷ đồng lãi trước thuế năm vừa qua, tăng 207%.
Đáng chú ý, với con số kể trên, lãi trước thuế của Eximbank đã tăng lên mức cao nhất một thập kỷ. Lần gần nhất nhà băng này có lợi nhuận trước thuế vượt 3.700 tỷ đồng đã diễn ra từ năm 2011 (lãi 4.056 tỷ). Theo kế hoạch được ĐHCĐ thường niên 2022 thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, ngân hàng đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Eximbank đạt 185.045 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14% lên 129.196 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 8,2% lên 148.614 tỷ đồng.
Nợ xấu của Eximbank ở con số 2.346 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 4,4% - mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có sự cải thiện, giảm từ 1,96% xuống 1,8%.
Ngân hàng vừa đề ra mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 ở mức 5.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng gần 35% so với mức đạt được của 2022. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức khoảng 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022; tăng trưởng tín dụng 14%; nợ xấu nội bảng dưới 1,6%…