Gạo ST25 Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản

05/09/2022 14:29 GMT+7
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản

Cụ thể, ngày 2/9, món cơm chiên sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 đến từ Việt Nam đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Gạo ST25 Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản - Ảnh 1.

Gạo ST25 được sử dụng làm cơm chiên trong thực đơn ngày 2/9 của cán bộ Văn phòng Nội các Nhật Bản (Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản)

Đại diện Công ty TNHH Spice House - đơn vị phân phối gạo ST25 ở Nhật Bản - cho biết, gạo ST25 đã từng đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" vào năm 2019 và được nhiều người tin dùng. Vì vậy, Spice House đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi và Công ty Suntomi International (công ty nhập khẩu) để đưa gạo ST25 của Việt Nam tới người tiêu dùng Nhật Bản.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản. Vì vậy, đây là một thành công rất lớn của người sản xuất cũng như các nhà thương mại khi đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản.

Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin, gạo thơm ST 25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.

Như vậy, việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ đạt 48,7 triệu yen và chỉ chiếm khoảng 0,09% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật Bản.

Trong xu hướng tự do hóa thương mại diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, Nhật Bản vẫn là nước có sự bảo hộ ở mức cao đối với nền nông nghiệp nội địa. Gạo cũng là mặt hàng nhạy cảm mà Nhật Bản muốn bảo hộ và đưa ra khỏi danh sách đàm phán cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do. 

Hiện nay, trong các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên (gồm các Hiệp định AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), Nhật Bản không có cam kết ưu đãi đặc biệt nào cho gạo nhập khẩu từ Việt Nam. Gạo Việt Nam muốn xuất khẩu sang Nhật Bản phải tham gia vào các gói đấu thầu quốc tế (theo các cơ chế tiếp cận thị trường thông thường - OMA, hoặc cơ chế mua bán song song - SBS). 

Tại thị trường Nhật Bản, gạo Việt Nam chưa có đủ sức cạnh tranh so với gạo của Hoa Kỳ, Thái Lan, Trung Quốc hay Úc, nên trong những năm gần đây gạo Việt Nam vào thị trường Nhật chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm nguyên liệu chế biến các thực phẩm khác như bánh, tương miso... Sự kiện 100 tấn gạo ST25 được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng của Nhật Bản hồi tháng 7 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi gạo Việt Nam sẽ chính thức xuất hiện trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong tương lai.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến cáo để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là đối với mặt hàng gạo sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm nâng cao chất lượng gạo bằng giống gạo ngon, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao hoặc có thể xuất khẩu chế phẩm từ gạo như tinh bột hay bánh quy bột.

Gạo ST25 Việt Nam được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản - Ảnh 2.

Việc xuất khẩu gạo ST25 sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường Nhật Bản.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chỉ xuất sang Nhật được 20 triệu USD, chiếm khoảng 3% kim ngạch nhập gạo của Nhật Bản, không tương xứng với quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước. Tuy vậy, sự khởi đầu này cũng đáng mừng vì sau nhiều năm, gạo Việt Nam đã quay trở lại thị trường Nhật do vướng mắc lớn nhất là Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản rất nghiêm ngặt.

Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng. Đây là những thuận lợi cho hợp tác thương mại Việt-Nhật, tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản.

Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng các doanh nghiệp không thể chỉ chờ Nhật Bản xem xét nới lỏng quy chế vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu hàng hóa vào Nhật, mà cả hai bên cùng phải quan tâm tháo gỡ bằng việc triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và chấp nhận kết quả kiểm nghiệm của nhau. Đây là cách làm hiệu quả đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm.

Một số trung tâm chiếu xạ đã được cả hai bên sử dụng chiếu xạ cho quả thanh long có thể coi là mô hình tốt để đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, vấn đề mấu chốt để gạo nói riêng, nông sản, thủy sản Việt Nam nói chung, tăng nhanh vào thị trường Nhật Bản.

Giá gạo nội địa đang tăng tại Nhật Bản, thúc đẩy người tiêu dùng tiến tới phân khúc gạo nhập khẩu giá rẻ hơn. Nhập khẩu gạo tại Nhật Bản vốn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng do ngày càng nhiều siêu thị và nhà hàng cung cấp loại gạo nhập khẩu chi phí thấp, các nhà sản xuất gạo nước ngoài kỳ vọng có thể kêu gọi Nhật Bản nới rộng cửa hơn cho thị trường gạo.

Nhật Bản từ lâu đã bảo vệ nông dân trồng lúa bằng cách hạn chế nhập khẩu. Nhưng sau khi các chính sách làm giảm diện tích trồng lúa trong suốt 50 năm tới tận năm 2017 và khuyến khích trồng loại lúa gạo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất gạo nội địa dùng phục vụ thị trường tiêu dùng trực tiếp giảm 11% trong 5 năm qua xuống còn 7,3 triệu tấn. Điều này đẩy giá gạo nội địa Nhật Bản tăng năm thứ 3 liên tiếp, với giá bán lẻ hiện nay cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Các nhà sản xuất gạo nước ngoài nhìn nhận tình hình giá gạo nội địa Nhật tăng là một cơ hội để vận động nước này nới rộng cửa cho nhập khẩu gạo. Năm 1993, Nhật Bản bị buộc phải mở cửa thị trường gạo và hiện nhập khẩu 770.000 tấn gạo hàng năm theo hệ thống hạn ngạch tiếp cận tối thiểu, với gạo dùng cho tiêu dùng trực tiếp chỉ hạn chế ở mức 100.000 tấn. Phần còn lại sử dụng cho thực phẩm chế biến hoặc thức ăn chăn nuôi. Nhìn chung, 60% gạo nhập khẩu cho tiêu dùng trực tiếp đến từ Mỹ, 30% từ Úc và phần còn lại đến từ các nước khác. Gạo nhập khẩu cho tiêu dùng trực tiếp chỉ chiếm khoảng 1% tổng tiêu dùng gạo tại Nhật Bản. Nhưng những đợt tăng giá gần đây khiến nhu cầu đối với gạo nhập khẩu chạm mức trần 100.000 tấn lần đầu tiên trong 5 năm trong năm tài khóa 2017.

Giá gạo nội địa Nhật Bản cũng đang tăng do sản xuất lúa gạo chuyển sang phục vụ các thị trường thức ăn chăn nuôi, và nguồn cung gạo cho tiêu dùng trực tiếp đang giảm. Sản xuất gạo làm thức ăn chăn nuôi hiện chiếm gần 10% gạo tiêu dùng trực tiếp. Với lượng gạo nội địa phục vụ cho phân khúc cao cấp và ngành thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, phân khúc giá thấp đang mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất gạo quốc tế.

Nhà chức trách Nhật Bản đang nỗ lực khuyến khích để người dân ăn gạo nhiều hơn. Họ tính toán nếu mỗi người dân Nhật Bản chỉ cần ăn thêm một miếng cơm mỗi bữa, khả năng tự chủ calo của nước này có thể tăng thêm 1%. Một người Nhật hiện ăn 53 kg gạo mỗi năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1%; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ.

Riêng vụ Hè Thu, Tổng cục Thống kê dự kiến sản lượng ước đạt 10,92 triệu tấn, giảm 219,2 nghìn tấn so với vụ Hè Thu năm 2021.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu tiếp đà đi ngang. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo từ đầu năm đến 15/8/2022 đạt 4,4 triệu tấn, tăng 19,6% sản lượng so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tuy nhiên về giá trị giảm bình quân khoảng 50 USD/tấn. Xuất khẩu gạo tuy tăng nhiều về sản lượng nhưng giá bán không cao. Nông dân trồng lúa đạt hiệu quả thấp do chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao.

Theo dự kiến xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt từ 6,3-6,5 triệu tấn. Các doanh nghiệp dự đoán từ nay đến cuối năm xuất khẩu gạo vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Thị trường lúa gạo sẽ tăng trưởng do nhu cầu tăng lên.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục