Gạo vẫn tăng giá nhờ nhu cầu mạnh mẽ

04/12/2022 13:36 GMT+7
Giá lúa gạo hôm nay 4/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Trong tuần qua giá nhiều mặt hàng lúa gạo vẫn liên tục điều chỉnh tăng nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Thị trường gạo sôi động khi nguồn cung hạn chế 

Giá lúa gạo hôm nay 4/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với hôm qua. Hiện nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua ở mức 7.900 – 8.100 đồng/kg; nếp tươi An Giang duy trì ở mức 7.400 – 7.600 đồng/kg; Đài thơm 8 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.600 – 6.800 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; OM 18 6.700 - 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục đà đi ngang. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 – 10.200 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm,giá chững lại và có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.600 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay thị trường gạo sôi động, giá gạo có xu hướng tăng. Trong tuần qua, giá lúa gạo điều chỉnh tăng với nhiều mặt hàng.

Gạo vẫn tăng giá nhờ nhu cầu mạnh mẽ - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 4/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Trong tuần qua giá nhiều mặt hàng lúa gạo liên tục điều chỉnh tăng.

Trong tuần này, giá xuất khẩu gạo tại các thị trường lớn của châu Á gia tăng, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và hoạt động thu mua gạo của Ấn Độ có mức giá hợp lý.

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 440-445 USD/tấn, tăng so với mức 438 USD/tấn của tuần trước. Thương nhân xuất khẩu gạo cho biết giá gạo tăng nhờ nhu cầu cao hơn, đặc biệt là từ cơ quan mua sắm thực phẩm Bulog của Indonesia.

Đà tăng của giá gạo Việt Nam có thể khiến người mua Cuba chuyển sang mua ngũ cốc có giá rẻ hơn từ Ấn Độ. Theo thương nhân xuất khẩu gạo, một tàu đang bốc 28.000 tấn hàng tại cảng Kakinada, thuộc bang Andhra Pradesh miền Nam Ấn Độ để giao hàng cho Cuba.

Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước ở mức thấp có thể giữ giá gạo Việt Nam ở mức cao trong vài tuần tới.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được chào với giá 375-380 USD/tấn, tăng so với mức 373-378 USD/tấn của tuần trước.

Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho hay gạo Ấn Độ đang được bán với mức giá chiết khấu. Điều này khiến người mua chuyển hướng sang thu mua gạo Ấn Độ.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo basmati cao cấp của Ấn Độ dự kiến tăng 15% so với năm ngoái, khi những khách hàng chủ chốt tại Trung Đông tăng lượng hàng tồn kho mặc dù giá tăng gần 25%.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 427- 440 USD/tấn trong tuần này so với mức 419- 425 USD của tuần trước, nhờ thông tin về các thỏa thuận mới.

Thương nhân xuất khẩu gạo cho biết giá gạo Thái đã tăng từ tuần trước sau cuộc đàm phán về việc Indonesia muốn mua hàng nghìn tấn gạo từ Thái Lan.

Theo các thương nhân, hoạt động tích trữ hàng trước dịp cuối năm của các nhà nhập khẩu trong nước cũng khiến giá gạo cao hơn.

Sau thời gian khởi sắc cả về lượng lẫn giá trị, nhiều danh nghiệp dự báo cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn rất khả quan, giá gạo Việt vẫn có nhiều cơ hội tăng lên trong thời gian tới.

Triển vọng thị trường lúa gạo thế giới năm 2022/23: USDA hạ dự báo sản lượng

Trong báo cáo tháng 10, USDA hạ dự báo về sản lượng gạo toàn cầu năm 2022/23 xuống 505,0 triệu tấn (quy xay xát), giảm 2,95% so với báo cáo tháng trước, và giảm hơn 2% so với năm trước, là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015/16.

Số liệu về sản lượng gạo tháng này điều chỉnh giảm so với tháng trước chủ yếu do sản lượng dự báo sẽ giảm ở Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal và Pakistan, không được bù đắp hoàn toàn bởi dự báo sản lượng tăng ở Brazil, Ai Cập, Thái Lan, Uruguay và Mỹ. Dự báo sản lượng giảm ở Ấn Độ và Pakistan - những nước bị hạ dự báo nhiều nhất trong tháng này – là do thời tiết bất lợi trong mùa hè năm nay.

Những điểu chỉnh về dữ liệu sản lượng đó cùng với lượng tồn trữ giảm sẽ dẫn đến tổng cung gạo toàn cầu năm 2022/23 giảm 3,6 triệu tấn xuống 689,3 triệu tấn, thấp hơn 2% so với một năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2019/20. Đây là lần sụt giảm nguồn cung gạo toàn cầu đầu tiên kể từ năm 2004/05.

So với năm trước, sản lượng sụt giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới - là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm sản lượng toàn cầu. Tổng sản lượng của 2 nước này năm 2022/23 dự kiến sẽ giảm 8,3 triệu tấn. Sản lượng của Pakistan năm 2022/23 dự kiến cũng giảm 1,7 triệu tấn và vụ mùa của Mỹ dự kiến giảm 0,84 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng gạo dự kiến sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn trong năm 2022/23 ở Bangladesh, Liên minh châu Âu, Ghana, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nepal, Philippines và Tanzania.

Sản lượng năm 2022/23 dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn so với một năm trước ở Myanmar, Ai Cập, Indonesia, Iran, Nigeria, Thái Lan và Việt Nam. Vụ mùa của Ai Cập dự kiến sẽ tăng mạnh nhất, tăng 0,7 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn, dựa trên diện tích thu hoạch lớn hơn và sản lượng dự kiến cao hơn. Campuchia dự kiến sẽ thu hoạch một vụ mùa kỷ lục vào năm 2022/23.

Gạo vẫn tăng giá nhờ nhu cầu mạnh mẽ - Ảnh 2.

Trong báo cáo tháng 10, USDA hạ dự báo về sản lượng gạo toàn cầu năm 2022/23 xuống 505,0 triệu tấn (quy xay xát), giảm 2,95% so với báo cáo tháng trước, và giảm hơn 2% so với năm trước, là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015/16.

Dự báo tiêu thụ gạo trên toàn cầu năm 2022/23 sẽ giảm 1,2 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, xuống 518,1 triệu, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục của năm trước. Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến USDA điều chỉnh giảm mức dự báo về tiêu thụ gạo thế giới trong năm 2022/23. Tiêu thụ gạo của Trung Quốc năm 2022/23 dự báo giảm 1,1 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, xuống 155,0 triệu tấn, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục đầu năm. Việc điều chỉnh giảm phần lớn dựa trên dự kiến sử dụng gạo trong thức ăn chăn nuôi giảm. Mức tiêu thụ trong năm 2022/23 của Ấn Độ vẫn được dự báo là gần 109,3 triệu tấn, thấp hơn 1,5 triệu tấn so với kỷ lục của năm trước.

Trong báo cáo tháng 10, USDA dự báo tồn trữ gạo toàn cầu năm 2022/23 sẽ giảm 2,4 triệu tấn xuống 171,2 triệu tấn, thấp hơn 7% so với một năm trước và là năm giảm thứ hai liên tiếp. Nguồn cung cuối vụ trên toàn cầu sẽ thấp nhất kể từ năm 2017/18. Ấn Độ chiếm phần lớn trong mức điều chỉnh giảm dự báo về nguồn cung gạo niên vụ 2022/23, chủ yếu do sản lượng giảm. Tồn trữ cuối vụ của Ấn Độ dự đoán sẽ ở mức 30,75 triệu tấn, giảm 3,0 triệu tấn so với dự báo tháng 9 và thấp hơn 12% so với một năm trước.

USDA cũng dự báo xuất khẩu năm 2023 của Ấn Độ và Pakistan tiếp tục được điều chỉnh giảm. Cụ thể: Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 dự báo giảm 0,3 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, xuống 53,4 triệu tấn, giảm hơn 2% so với mức cao kỷ lục của năm trước và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019. Đối với năm 2023, dự báo xuất khẩu của Ấn Độ giảm 1,0 triệu tấn, của Pakistan giảm 0,3 triệu tấn và của Mỹ giảm 0,1 triệu tấn, trong khi xuất khẩu của Brazil, Myanmar, Thái Lan, Uruguay và Việt Nam dự báo tăng.

Về nhập khẩu trong năm 2023, dự báo nhập khẩu sẽ giảm ở Trung Quốc, Ai Cập, Haiti, Sri Lanka và Venezuela, trong khi tăng ở Canada và Iraq. Mức giảm 0,5 triệu tấn trong dự báo về nhập khẩu gạo Trung Quốc năm 2023 là lần điều chỉnh dữ liệu nhập khẩu lớn nhất trong báo cáo tháng 10. Trung Quốc là nhà nhập khẩu gạo tấm lớn của Ấn Độ.

So với năm trước, Argentina, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Lào, Pakistan, Nga, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay đều dự kiến sẽ giảm xuất khẩu gaooj trong năm 2023. Xuất khẩu của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm 1,30 triệu tấn, của Pakistan giảm 0,50 triệu tấn, chủ yếu là do sản lượng giảm. Ngược lại, Australia, Guyana, Paraguay, Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ tăng xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Xuất khẩu của Mỹ dự kiến không đổi ở mức 2,45 triệu tấn, do nguồn cung giảm và giá dự kiến tăng ngăn cản bất kỳ sự mở rộng xuất khẩu nào. Xuất khẩu của Mỹ trong năm 2022 và 2023 dự báo sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 1997.

Về nhập khẩu trên toàn cầu trong năm 2023, Australia, Bangladesh, Benin, Campuchia, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Iraq, Madagascar, Mali, Philippines, Senegal, Sri Lanka và Việt Nam dự kiến sẽ nhập giảm nhập khẩu gạo trong năm 2023 so với năm 2022. Bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhập khẩu dự kiến ở những nước đó là nhập khẩu dự báo sẽ tăng trong năm 2023 đối với Afghanistan, Canada, Bờ Biển Ngà, Cuba, Ecuador, Liên minh Châu Âu, Ghana, Haiti, Mexico, Mozambique, Nepal, Tanzania, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ, và Venezuela, với cả EU và Mỹ nhập khẩu dự kiến sẽ đều cao kỷ lục.

Đến đầu tháng 11/2022 Philippines đã nhập khẩu đến 3,243 triệu tấn gạo, nhưng sắp tới, quốc gia này sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm do các siêu bão liên tục tàn phá. Tương tự, Trung Quốc cũng sẽ nâng nhập khẩu lên 5 triệu tấn do tác động của hạn hán và lũ lụt ảnh hưởng đến sản xuất gạo…

Không chỉ rộng cơ hội mở rộng đường xuất khẩu ngay tại thị trường truyền thống, gạo Việt còn có thêm nhiều khả năng tại thị trường mới. Điển hình là thị trường Indonesia. Lần đầu tiên sau 3 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, mới đây giới chức trách lương thực nước này dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo.

Theo các doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, nên nhiều nước phải nhập khẩu một lượng gạo khá lớn để dự trữ. Tại Việt Nam, cụ thể, vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long ít chịu ảnh hưởng, nguồn lúa gạo dồi dào nên có nhiều cơ hội để xuất khẩu.

11 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt gần 6,7 triệu tấn, mang về hơn 3,2 tỷ USD, tăng 23% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục