Gạo Việt chạm mức cao nhất của hơn 1 năm, liệu có "cơn sốt" giá mới?

29/11/2022 15:18 GMT+7
Nhu cầu tiêu thụ gạo cao khiến xu thế tăng giá trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm nay và qua cả năm 2023. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 438 USD/ounce, so với mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước và chạm mức cao nhất của hơn 1 năm...

Thị trường thuận lợi, giá lúa gạo neo cao... 

Giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 29/11 điều chỉnh tăng 100 đồng/kg với lúa OM 5451. Cụ thể, giá lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.500 – 6.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể, nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; OM 18 6.700 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 – 10.200 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm,giá chững lại và có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.600 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, lượng gạo về ổn định, các kho mua đều. Giá lúa gạo giữ ở mức cao.

Gạo Việt chạm mức cao nhất của hơn 1 năm, liệu có "cơn sốt" giá mới? - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 29/11 tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 đồng/kg với lúa OM 5451. Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và EU tăng mạnh dịp cuối năm.

Tháng 11, giá lúa gạo ở trong nước neo cao, tuy nhiên mức tăng hẹp hơn so với tháng 10. Nguồn cung gạo vụ thu đông hạn hẹp. Giá lúa trong tháng 11 điều chỉnh tăng vào đầu tháng, sau đó điều chỉnh giảm và tăng lại vào cuối tháng 11.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu đứng ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn. Với mức giá này, hiện giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà dẫn đầu thế giới và chạm mức cao nhất của hơn 1 năm.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thị trường Trung Quốc cũng chuyển từ nhập khẩu nhỏ giọt trong giai đoạn đầu năm sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn nhằm thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm vì xung đột Nga - Ukraine.

Trong tuần qua, nguồn cung trong nước giảm đẩy giá lúa gạo trong nước liên tục điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá gạo tăng 300 – 500 đồng/kg. Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, khi các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung giảm, còn nhu cầu gạo gia tăng sẽ hỗ trợ giá vào cuối năm.

Thương nhân cho hay giá gạo tăng là do nguồn cung từ Đồng bằng sông Cửu Long bị thắt chặt và với mức giá hiện tại, giá gạo Việt Nam hiện cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng ngành khác. Một số thương nhân cho biết giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn cho đến cuối tháng 12/2022 do dự trữ giảm và nhu cầu từ Trung Quốc và các nước châu Âu tăng.

Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không đổi ở mức 373-378 USD/tấn giữa lúc nhu cầu từ các nước nhập khẩu tốt. Nguồn cung để xuất khẩu khá hạn chế trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đang tích cực mua lúa vụ mới từ nông dân. Ấn Độ đã tăng giá mua lúa vụ mới từ nông dân địa phương thêm 5,2%, mức tăng lớn nhất trong 5 năm.

Các thương nhân cho biết giá gạo trong nước tại nước láng giềng Bangladesh vẫn tăng cao bất chấp một loạt nỗ lực, bao gồm cho phép nhập khẩu và cắt giảm thuế. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh sẽ giảm 1% so với năm ngoái xuống 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-23 do lũ lụt. Bangladesh trước đây là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng nay lại phải thường xuyên nhập khẩu gạo để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai gây ra.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 419-425 USD/tấn, so với mức 410-425 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho hay biến động giá là do tỷ giá hối đoái, trong khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn ổn định và không có giao dịch lớn nào diễn ra. Có một số thỏa thuận, trong khi nhiều nhà nhập khẩu đang dự trữ hàng cho các đơn đặt hàng trong tương lai.

Doanh nghiệp đều lạc quan cho rằng giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng

Dự báo thị trường gạo trong thời gian tới, theo các chuyên gia, nhu cầu gạo toàn cầu sẽ vượt sản lượng trong niên vụ 2022-2023. Đây là tin xấu cho các nước châu Á và châu Phi có gạo làm lương thực thiết yếu, một số phải nhập khẩu tới 60% nguồn cung cho thị trường nội địa.

Trong khi đó tại Việt Nam, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng giá tăng sẽ kéo dài trong thời gian tới. Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến cuối tháng 12 và sang cả năm 2023.

Dù gạo đang ở mức giá cao nhưng các doanh nghiệp đều rất lạc quan cho rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng. Indonesia, nước đông dân nhất Đông Nam Á và thứ 4 thế giới, mới đây đã thông báo đang có nhu cầu nhập khẩu đến 500.000 tấn gạo trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Bộ trưởng Bộ Lương thực Bangladesh cho biết, nước này cũng sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo Việt Nam. Bangladesh sẽ nhập khẩu thêm 230.000 tấn gạo Việt Nam...

Indonesia trước đây là khách hàng của gạo Việt Nam nên nay họ cần mua gạo thì khả năng sẽ quay lại mua của Việt Nam. Thông tin từ Indonesia, Bangladesh sẽ tiếp thêm nhiệt lượng cho thị trường lúa gạo thế giới và cả Việt Nam. Trong bối cảnh thế giới nguồn cung gạo hạn chế thì điểm thuận lợi nhất của gạo Việt Nam là gần như mình thu hoạch quanh năm, lúc nào thị trường cần mình cũng có.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, nay thị trường lại có thêm nguồn cầu lớn là một thông tin hết sức tích cực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cũng dự báo với bức tranh xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm đến nay, trong 2 tháng cuối năm chỉ cần mỗi tháng đạt được mức tối thiểu 600.000 tấn, ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo. Đây là lượng gạo xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ sau năm 2012.

Gạo Việt chạm mức cao nhất của hơn 1 năm, liệu có "cơn sốt" giá mới? - Ảnh 2.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, nay thị trường lại có thêm nguồn cầu lớn là một thông tin hết sức tích cực.

Theo cập nhật của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu tháng 11/2022 giảm hơn 100 ngàn tấn so với cùng kỳ tháng trước, với số lượng 266.119 tấn, lũy kế từ đầu năm là 6.350.124 tấn, tương đương trên 3,07 tỷ USD...

Trong 10 tháng đầu năm 2022, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu tiếp tục giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu trong tháng 10 năm 2022 ước khoảng 42,1 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cũng ước tính sản xuất gạo toàn cầu trong tháng 10 đạt 42,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) ước tính sản lượng sản xuất gạo thế giới trong tháng 10 khoảng 42,7 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu gạo sẽ vượt sản lượng trong 2023. Những lệnh hạn chế của Ấn Độ đối với xuất khẩu gạo có thể châm ngòi cho một đợt tăng giá gạo trên toàn cầu sau hơn một thập kỷ ổn định, theo các nhà giao dịch gạo nhận định, khi chủ nghĩa bảo hộ của Ấn Độ diễn ra đúng thời điểm sản lượng gạo giảm tại các nước sản xuất lớn khác và nhu cầu toàn cầu đang tăng. 

Hiện các nhà xuất khẩu Thái Lan và Việt Nam cũng không còn tồn kho đủ để bù đắp cho nguồn cung hụt đi sau khi Ấn Độ áp các lệnh cấm xuất khẩu và những thiệt hại về sản lượng trên diện rộng. Tồn kho gạo toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 5 năm trong năm 2023. Do Ấn Độ chiếm tới 40% thương mại gạo toàn cầu, không dễ để các nhà cung cấp khác thay thế nguồn cung gạo Ấn Độ bị hụt đi khi nhu cầu đang tăng từ các nước nhập khẩu lớn nhất thế giới.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục