Indonesia dự kiến sẽ phải nhập 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, cơ hội cho gạo Việt

25/11/2022 11:39 GMT+7
Sau 03 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, Indonesia dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2022. Các nguồn thông tin Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thu thập được cho thấy, nguồn nhập khẩu dự kiến mà nước này đang xem xét đến từ Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Việt Nam.

Indonesia dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia

Theo thông tin từ buổi làm việc của Ủy ban IV của Hội đồng Đại biểu nhân dân (tức Hạ viện Indonesia)  với đại diện Bộ Nông nghiệp, Cơ quan lương thực quốc gia, Cơ quan hậu cần (Perum Bulog) và một số công ty lương thực nhà nước của nước này vào ngày 23/11/2022, lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia hiện đang xuống rất thấp. 

Lượng gạo dự trữ quốc gia tính tới ngày 22/11/2022 đã xuống dưới 600.000 tấn (giảm từ 651.000 tấn vào ngày 13/11/2022). Trong khi theo báo cáo của Perum Bulog, cơ quan này sẽ cần khoảng 150.000-200.000 tấn gạo để bình ổn giá thị trường mỗi tháng và nếu không có nguồn gạo bổ sung, lượng gạo dự trữ chỉ còn khoảng 300.000 tấn vào cuối năm 2022. 

Theo Chủ tịch Perum Bulog, cơ quan này đang tích cực mua gạo dự trữ từ trong nước và buộc phải mua gạo theo giá thị trường nhưng vẫn không có đủ gạo để thu mua. Tính tới 22/11/2022, Perum Bulog đã thu mua từ trong nước được 912 nghìn tấn gạo dự trữ. Từ tháng 07/2022, việc thu mua gạo trở nên khó khăn do nguồn cung nội địa hạn chế cho dù đã liên tục tăng giá thu mua từ mức 8,300 Rp/kg lên 8,800 Rp/kg và đến nay đã phải thu mua theo giá thị trường là từ 8.900-10.200 Rp/kg, nhưng lượng gạo thu mua được không vượt quá 100.000 tấn. (tỷ giá: 1 USD tương ứng 15.600 Rp). 

Về tính xác thực số liệu lượng gạo tồn trong nước theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Indonesia là 6 triệu tấn tính tới cuối tháng 12/2022 và tuyên bố của Bộ này về khả năng có thể cung ứng 600.000 tấn gạo từ trong nước nếu mua theo giá thị trường, Chủ tịch Ủy ban IV của Hội đồng Đại biểu nhân dân Indonesia đã có quyết định tại phiên họp theo đó, trong vòng 06 ngày kể từ phiên họp ngày 23/11/2022, nếu không thể mua đủ 600.000 tấn từ trong nước, thì số liệu của của Bộ Nông nghiệp là không có giá trị. 

Năm 2022, Indonesia đề ra mục tiêu sản xuất 55,2 triệu tấn thóc (tương đương 31,68 triệu tấn gạo quy đổi) so với mức sản lượng đạt được trong năm 2021 là 54,42 triệu tấn thóc (tương đương 31,36 triệu tấn gạo quy đổi). Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, sản lượng gạo sản xuất trong 9 tháng đầu năm của nước này ước đạt 26,45 triệu tấn, nhu cầu tiêu dùng gạo ước tính vào 22,72 triệu tấn. Tính đến cuối tháng 9/2022, sản lượng gạo sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2022 thặng dư khoảng 3,73 triệu tấn. Nếu tính chung tổng sản lượng gạo tồn từ năm 2021 chuyển sang thì lượng gạo dư thừa tính hết đến cuối tháng 9/2022 là khoảng 10,1 triệu tấn, tăng từ mức 9,71 triệu tấn (vào thời điểm cuối tháng 6/2022) và đến cuối năm 2022, lượng gạo tồn ước tính là khoảng hơn 06 triệu tấn. Tuy nhiên, dư luận Indonesia đang đặt nghi vấn về tính xác thực về lượng gạo tồn do Bộ Nông nghiệp Indonesia công bố do lượng gạo dự trữ thu mua thấp cho dù đã điều chỉnh giá thu mua của Chính phủ theo giá thị trường.

Giá thóc và giá gạo tại Indonesia đang có xu hướng gia tăng từ tháng 7/2022 trở lại đây, với giá bán thóc từ nông dân tăng thêm 15,7% so với mức 4.865 Rp/kg (0,328 usd/kg) trong tháng 8/2022, giá bán thóc tại nhà máy xay xát tăng 11,4% và giá bán gạo phẩm cấp trung bình ở cấp độ người tiêu dùng tăng thêm 4,4% từ mức 10,700 Rp/kg (0,69 USD/kg) trong tháng 7/2022 lên mức 11.180 Rp/kg (0,72 USD/kg) vào thời điểm hiện tại. Giá gạo phẩm cấp cao bán lẻ trung bình hiện ở mức 12.770 Rp/kg (0.83 USD/kg).

Do lượng gạo dự trữ thấp, nguồn cung trong nước rất hạn chế cho dù Perum Bulog đã tăng giá thu mua và đã thực hiện thu mua theo giá thị trường. Bên cạnh đó, mùa thu hoạch lúa tiếp theo của Indonesia sẽ tập trung vào tháng 03 và tháng 04 năm sau trong bối cảnh gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu và Chính phủ Indonesia sẽ ưu tiên bình ổn giá cả thị trường, không để gia tăng giá quá mạnh khiến lạm phát cao, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, trật tự xã hội. 

Chủ trương của Chính phủ Indonesia phải đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ 1,2 triệu tấn trong thời gian sớm nhất để tránh những tác động tiêu cực (về an ninh lương thực) từ tình hình địa chính trị thế giới hiện nay đối với Indonesia trở nên hết sức cấp thiết. 

Để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt quan tâm (đặc biệt các doanh nghiệp trước đây đã từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia) cần chủ động gửi bản giá chào tới Perum Bulog trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm của mình.  

Indonesia dự kiến sẽ phải nhập 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, cơ hội cho gạo Việt - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt quan tâm (đặc biệt các doanh nghiệp trước đây đã từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia) cần chủ động gửi bản giá chào tới Perum Bulog trong thời gian sớm nhất.

Giá xuất khẩu cao tới hết năm, gạo Việt khả quan thu về 3,3 tỷ USD 

Giá lúa gạo hôm nay (25/11) tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng với mặt hàng gạo. Thị trường giao dịch sôi động, nhu cầu mua cao.

Cụ thể, nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; OM 18 6.700 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục đà tăng. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 – 10.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá tiếp tục tăng. Hiện giá tấm tăng 100 – 200 đồng/kg lên mức 9.400 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500 – 8.600 đồng/kg, tawg 100 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo các thương lái, hiện lượng gạo nguyên liệu về ổn định, các kho mua khá, giá ít biến động so với hôm qua. Nhu cầu các kho hỏi mua đều. Thị trường lúa ổn định, giá vững. Nguồn lúc chưa cọc còn lại rất ít. Thị trường phụ phẩm sôi động, nhu cầu mua cao, giá nhích nhẹ.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu có chững lại sau phiên điều chỉnh tăng nhưng vẫn ở mức cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn. Với mức giá này, hiện giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà dẫn đầu thế giới. 

Indonesia dự kiến sẽ phải nhập 500.000 tấn gạo dự trữ quốc gia, cơ hội cho gạo Việt - Ảnh 2.

Nguồn cung gạo thế giới thiếu hụt, nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn tăng cao là điều kiện thuận lợi giúp ngành lúa gạo Việt Nam thu về kết quả xuất khẩu khả quan khoảng 3,2-3,3 tỷ USD trong năm nay.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022/23, theo USDA. Bên cạnh đó, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây.

Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Nguồn cung gạo thế giới thiếu hụt, nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn tăng cao là điều kiện thuận lợi giúp ngành lúa gạo Việt Nam thu về kết quả xuất khẩu khả quan khoảng 3,2-3,3 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ duy trì ở mức cao đến hết năm.

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 700 nghìn tấn với trị giá đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 9 tháng năm 2022, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (tăng 71,2%). Ngược lại, thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana (giảm 32,8%).

Trong tháng 10/2022, giá gạo xuất khẩuThái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng Baht yếu và nhu cầu giảm. Trong khi đó, giá gạo tại Việt Nam và Ấn Độ ổn định gần mức cao nhất trong nhiều tháng do lo ngại về nguồn cung.

Giá lúa gạo tại thị trường nội địa, đặc biệt là khu vực ĐBSCL trong những ngày đầu tháng 11/2022 liên tục tăng. Hiện ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 - 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt vấn đề giá cả và đặt cọc. “So với mức giá đỉnh hồi tháng 10/2022, giá gạo xuất khẩu hiện tiếp tục tăng bình quân từ 10 - 20 USD/tấn.

Những năm gần đây đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Xu hướng tăng giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài tới cuối tháng 12/2022. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á (nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu) và tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc (thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới) đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đánh thuế 20% gạo xuất khẩu cũng là cơ hội cho ngành gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Về mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm 2022, Bộ NN&PTNT khẳng định: Năm 2022, diện tích gieo trồng lúa đạt trên 7,2 triệu ha như kế hoạch, sản lượng thóc cả năm trên 43 triệu tấn, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu đạt khoảng 6,5 – 7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm có khả năng đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD. 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục