Xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt kỷ lục tới hơn 7 triệu tấn
Ngành gạo đã thực hiện được 93 – 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra
Giá lúa gạo hôm nay 19/11 tại Đồng bằng sông Cửu Long chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo dao động quanh mốc 8.900 – 9.700 đồng/kg.
Giá lúa gạo hôm nay 19/11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định với mặt hàng lúa. Cụ thể, nếp tươi Long An đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 7.900 - 8.000 đồng/kg; OM 18 6.700 - 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.900 – 9.100 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.500 – 9.700 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tấm duy trì ở mức 9.400 đồng/kg; cám khô ở mức 8.500.
Trong tuần qua, thị trường gạo nội địa tương đối ổn định, các kho mua đều, nguồn gạo Thu Đông về khá hơn nhưng lượng về không đều. Giá lúa Thu Đông các loại quay đầu tăng trở lại so với mức giá cuối tuần trước.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Về sản xuất trong nước, lũy kế đến trung tuần tháng 10, cả nước gieo cấy được gần 7,1 triệu ha lúa, giảm 139 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, đã thu hoạch 6,5 triệu ha, giảm 72,8 nghìn ha; năng suất bình quân đạt 60,7 tạ/ha; sản lượng thu hoạch 39,2 triệu tấn.
Trong đó, với lúa Hè Thu, diện tích gieo cấy đạt 1,92 triệu ha; đã thu hoạch xong; năng suất bình quân đạt 56,4 tạ/ha; sản lượng trên 10,8 triệu tấn. Về lúa Thu Đông, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 642 nghìn ha; đã thu hoạch được khoảng 313,6 nghìn ha với sản lượng đã thu hoạch đạt 1,8 triệu tấn.
Về lúa Mùa, cả nước gieo cấy đạt trên 1,5 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; đã thu hoạch được 914,5 nghìn ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 5 triệu tấn.
Số liệu thống kê cho thấy, sau 10 tháng năm 2022, ngành gạo đã thực hiện được 93 – 96% kế hoạch xuất khẩu đề ra. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, trong khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này đã giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao. Với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy cuối năm, xu hướng tăng giá gạo có thể còn kéo dài đến cuối tháng 12.
Nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới
Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển từ nhập khẩu nhỏ giọt từ đầu năm sang nhập khẩu với sản lượng lớn vào cuối năm. Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo doanh nghiệp xuất khẩu gạo, tính đến thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn đặt hàng đạt gần 7 triệu tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu có đạt mức này hay không còn tùy thuộc vào nguồn lúa Thu Đông tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và lượng gạo dự trữ ở các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản.... Năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo năm 2022 ước đạt trị giá khoảng 3,3-3,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.
Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.
Thời điểm này, những đồng lúa Đông Xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 tới 7,2 triệu tấn.
Được biết, lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo vẫn tiếp tục có sự phân hoá trong quý III. Kết thúc quý III/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gạo tiếp diễn sự phân hóa của quý trước đó. Một số doanh nghiệp lãi đậm như Tập đoàn Lộc Trời, Nông sản thực phẩm An Giang nhưng một số đơn vị khác lại ghi nhận khoản lợi nhuận khiêm tốn, thậm chí đến thua lỗ.
Ở nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 64 tỷ đồng, gấp đôi quý III năm ngoái. Sau 9 tháng, doanh thu thuần của công ty đạt 8.629 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Năm 2022, Lộc Trời đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Sau 9 tháng, Tập đoàn thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh khả quan trong quý III là Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX). Doanh thu hợp nhất của công ty đạt 366 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế đạt hơn 9 tỷ đồng, gấp 12 lần so với quý III/2021 (750 triệu đồng). Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Nông sản Thực phẩm An Giang tăng 91% lên 989 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 27 tỷ đồng, gấp gần 6,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với mảng sáng trong bức tranh kinh doanh quý III của ngành gạo, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 500 tỷ đồng, giảm 31%, lợi nhuận sau thuế đạt 2 tỷ đồng, giảm gần 95% so với cùng kỳ. Kết thúc 3 quý, Trung An mới thực hiện được hơn 63% mục tiêu doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận năm.
Với công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, Mã: NSC), doanh thu thuần trong quý III là 307 tỷ đồng, giảm 24% so với quý III/2021. Sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi 28 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty thu về 1.202 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 58% lợi nhuận trước thuế của cả năm.
Trong khi đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM) đã rơi vào cảnh thua lỗ khi doanh thu thuần quý III đạt 710 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ và doanh nghiệp lỗ gần 29 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu tăng 33% lên 3.092 tỷ đồng nhưng lỗ 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 18 tỷ đồng. Năm 2022, Xuất nhập khẩu An Giang đặt mục tiêu doanh thu 3.929 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, công ty thực hiện 79% doanh thu nhưng còn cách xa mục tiêu có lãi.
Riêng với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Mã: VSF), doanh nghiệp này đã có lãi 265 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái lỗ 97 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 3.652 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam là 10.830 tỷ đồng, giảm 13%. Tổng công ty lãi sau thuế hơn 5,1 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 248 tỷ đồng. Kết thúc 3 quý, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam thực hiện gần 70% mục tiêu doanh thu nhưng chưa đến 1/5 kế hoạch lãi trước thuế khi đạt 19,5 tỷ đồng.
Những năm gần đây, đã có nhiều thời điểm giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan. Việc gạo Việt Nam bán cao hơn gạo Thái là chuyện đã dần trở nên bình thường. Gạo Việt đi sau Thái Lan nhưng đang phát triển nhiều giống lúa mới, nâng cao quy trình sản xuất. Đồng thời, độ tươi mới của gạo Việt cao hơn gạo Thái cùng chủng loại nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.