Giá cà phê duy trì xu hướng trái chiều, khả năng sẽ lại gặp bất lợi

05/01/2023 14:17 GMT+7
Khả năng Fed sẽ duy trì các biện pháp thắt chặt kinh tế vì mức lạm phát cao sẽ khiến các thị trường hàng hóa nói chung và cà phê nói riêng vẫn còn bất lợi. Trong nước, giá cà phê hôm nay (5/1) tiếp tục tăng tại khu vực Tây Nguyên. Hiện, mức giá cao nhất là 40.400 đồng/kg...

Giá cà phê hôm nay 5/1: Tiếp đà tăng 300 đồng/kg tại các tỉnh trọng điểm

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp nối đà tăng.  Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng thêm 21 USD, lên 1.873 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 20 USD, lên 1.839 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 5,00 cent, xuống 161,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 4,95 cent, còn 161,35 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá cà phê duy trì xu hướng trái chiều, khả năng sẽ lại gặp bất lợi - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 05/01/2023 lúc 12:48:01

Giá cà phê duy trì xu hướng trái chiều, khả năng sẽ lại gặp bất lợi - Ảnh 2.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 đồng, lên dao động trong khoảng 39.700 - 40.400 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng thêm 300 đồng, lên dao động trong khoảng 39.700 - 40.400 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất, đạt 39.700 đồng/kg sau khi tăng 300 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk cũng tăng giá cà phê thêm 300 đồng/kg lên mức 40.300 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông tăng 800 đồng/kg, hiện ở cùng mức 40.400 đồng/kg.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 1.903 USD/tấn (FOB), trừ lùi +30 USD/tấn.

Giá cà phê kỳ hạn duy trì xu hướng trái chiều với thị trường New York tiếp tục giảm sâu, bất chấp USDX quay đầu sụt giảm, dòng vốn đầu cơ chảy về các sàn chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn Trong khi đó, giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng khi báo cáo tồn kho do sàn London quản lý tiếp tục giảm thêm 0,39% xuống ở mức thấp 4,5 năm và nhiều thông tin cơ bản khác hỗ trợ.

Theo dõi thông báo về cuộc họp cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), các nhà đầu tư Phố Wall cho rằng các thành viên của tổ chức này đã có giọng điệu diều hâu hơn so với trước đó. Có lẽ điều này đã khiến chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại và trái phiếu kho bạc dài hạn trở nên hấp dẫn hơn, lãi suất khó có thể giảm sớm vì lạm phát vẫn còn cao hơn mức mục tiêu và các thị trường hàng hóa nói chung rơi vào thế bất lợi.

Bên cạnh đó, sàn giao dịch cà phê thế giới tiếp tục ngược chiều với giá Arabica xuống mức thấp nhất 3 tuần, một phần do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển cây trồng ở Brazil - nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Thị trường đang theo dõi chặt chẽ tình hình bất ổn kinh tế ở Brazil, với đồng Real của quốc gia này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 trong tuần này trước khi lấy lại đà tăng hôm thứ tư. Giá cà phê Arabica suy yếu còn do người Brazil tận dụng thời điểm đồng Real giảm giá, đẩy mạnh bán ra nhiều hơn, gây áp lực lên đà phục hồi của Arabica. Tuy nhiên, thị trường có thể nhận được một số hỗ trợ trong vài ngày tới từ lực mua của các quỹ chỉ số.

Các đại lý cho biết mưa ở các vùng trồng cà phê Brazil và dự báo sẽ có thêm mưa rào trong vài ngày tới sẽ hỗ trợ cây trồng phát triển.

Theo Viện cà phê Costa Rica (ICAFE), nước này đã xuất khẩu 41.262 bao (loại 60kg) trong tháng 12/2022, giảm 11,7%, tương đương giảm 5.467 bao so với mức xuất khẩu trong cùng kỳ năm 2021.

ICAFE cho biết, trong 3 tháng đầu tiên của chu kỳ cà phê hàng năm (bắt đầu từ tháng 10), nước này đã xuất khẩu được 62.953 bao, giảm 23% so với giai đoạn trước.

Nhà sản xuất cà phê Costa Rica xuất khẩu 80% lượng cà phê làm ra và dự kiến khối lượng sẽ tăng trong vụ thu hoạch 2022/23, với dự đoán là tăng 11,5%. Nước này dự kiến sẽ thu hoạch 1,43 triệu bao trong niên vụ 2022/23 nhờ việc trồng các giống mới trên các đồn điền từng không có năng suất.

Tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE New York ghi nhận tiếp tục tăng ở mức 814.686 bao tính tới ngày 30/12/2022. Theo phân tích kỹ thuật, nhìn chung xu hướng giá có tín hiệu trung tính và chưa rõ nét.

Trong khi đó, báo cáo tồn kho cà phê Robusta đầu năm 2023 giảm thêm 2,13% xuống ở mức 64.260 tấn. Theo phân tích kỹ thuật, giá cà phê Robusta chưa xác lập xu hướng nên dự kiến trong ngắn hạn giá còn giằng co trong biên độ 1820 – 1890.

Thông tin vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam sẽ xuất hiện những cơn mưa lớn cản trở việc thu hoạch và phơi sấy giai đoạn cuối mùa, khiến nguồn cung hàng vụ mới cho thị trường tiêu dùng bị chậm lại, đã thúc đẩy giá cà phê Robusta đảo chiều tăng vọt. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định giá tăng chỉ là do lực mua kỹ thuật của các giới đầu cơ.

Về thị trường nội địa, theo thống kê, nông dân Việt Nam đã thu hoạch được khoảng 85% diện tích niên vụ hiện tại, kết hợp với nhu cầu đẩy hàng tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán đã thúc đẩy lực bán gia tăng trên thị trường và gây sức ép lên giá.

Ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.

Dự báo giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023.

Trong khi đó, mức tiêu thụ tăng hơn 800 nghìn bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ 2021/2022.

Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao.

Giá cà phê duy trì xu hướng trái chiều, khả năng sẽ lại gặp bất lợi - Ảnh 3.

Dự báo giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện.

Giá cà phê tiếp tục giảm mạnh - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Số liệu ước tính năm 2022.

Năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021. Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021. 

Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục