Giá cà phê duy trì đà giảm, nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn

02/01/2023 17:05 GMT+7
Giá cà phê hôm nay (2/1) duy trì đà giảm trên thị trường thế giới. Thu hoạch vụ mùa mới ở các quốc gia sản xuất chính sẽ hỗ trợ nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn… Giá cà phê trong nước hôm nay dao động từ 38.600 – 39.400 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước dao động từ 38.600 – 39.400 đồng/kg

Theo kế hoạch, hôm nay thứ hai, ngày 2/1, các thị trường đóng cửa, nghỉ bù Tết dương lịch 2023. Ngày mai, thứ ba (3/1), các sàn mở cửa giao dịch bình thường. Giá cà phê kỳ hạn được dự báo sẽ có biến động khi thu hoạch vụ mùa mới ở các quốc gia sản xuất chính sẽ hỗ trợ nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn.

Tính chung cả tuần cuối năm, thị trường London có 2 phiên nghỉ lễ và 3 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 76 USD, tức giảm 4,05 %, xuống 1.799 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 71 USD, tức giảm 3,85 %, còn 1.774 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, thị trường New York có 1 phiên tăng và 3 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 4,70 cent, tức giảm 2,73 %, xuống 167,30 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 4,65 cent, tức giảm 2,71 %, còn 166,95 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây nguyên giảm xuống dao động trong khung 38.600 – 39.400 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê nhân phổ biến ở mức 38.600 – 38.800 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Kon Tum giá cà phê từ 39.200 – 39.300 đồng/kg. Cao nhất là tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Nông giá cà phê chủ yếu quanh mức 39.300 – 39.400 đồng/kg (-100 đồng/kg đối với một số huyện tại tỉnh Gia Lai).

Giá cà phê trong nước trong tuần qua cũng ghi nhận giảm mạnh tới 1.500 đồng/kg so với phiên đầu tuần trước (26/12). Chưa có nhiều nhận định liên quan đến việc giảm mạnh giá cà phê trong nước tuần qua trừ yếu tố ảnh hưởng giá cà phê thế giới. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng do giá cà phê trong nước những tuần qua bất ngờ đứng vững và tăng nhẹ trong khi giá cà phê thế giới giảm tạo khoảng “chênh” vì vậy, giá cà phê hiện tại giảm sâu hơn mức giảm của giá cà phê thế giới là sự tự điều chỉnh cân bằng của thị trường.

Như vậy, trái với dự báo về kỳ vọng tăng giá chào đón năm 2023, thì tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về khủng hoảng kinh tế sau một năm thị trường tài chính Mỹ tồi tệ đã lấn át khiến giá cà phê thế giới trong tuần qua tụt giảm.

Giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ giao tháng 03/2023 “bay” 76 USD/tấn so với ngày đầu tuần trước (26/12). Còn cà phê Arabica dù giảm nhẹ cũng mất 4,7 cent/lb (kỳ giao cà phê tháng 3/2023).

Giá cà phê duy trì đà giảm, nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Giá cà phê trong nước hôm nay dao động từ 38.600 – 39.400 đồng/kg.

Nổi bật trong tuần là những báo cáo khối lượng xuất khẩu cà phê từ các nước sản xuất chính. Cụ thể, Nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados ở Brazil dự kiến xuất khẩu tháng 12 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, xuống ở mức khoảng hơn 3 triệu bao. Công ty cung ứng và dự báo nông sản (Conab) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil đã nâng dự báo tổng sản lượng cà phê Brazil năm 2022 lên 50,9 triệu bao, tăng 6,7% so với năm trước. 

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cả năm 2022 đạt tổng cộng 1,72 triệu tấn (khoảng 28,66 triệu bao), tăng 10,10% so với năm trước. Cơ quan Thương mại Indonesia báo cáo xuất khẩu trong 8 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại (niên vụ của Indonesia tính từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023) đạt tổng cộng 3,37 triệu bao, tăng 54,93% so với cùng kỳ niên vụ trước, chiếm chủ yếu là cà phê Robusta.

Nổi lo suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng tâm lý đầu cơ trên các thị trường hàng hóa vào nửa đầu năm 2023 sẽ khiến sức mua hàng hóa sụt giảm nói chung, trong khi thông tin dịch bệnh covid-19 bùng phát khắp nơi sau khi Trung Quốc từ bỏ chính sách Zero Covid làm dấy lại mối lo chung của toàn thế giới khi nền kinh tế tiêu thụ hàng đầu tỏ ra căng thẳng trở lại.

Tính đến thứ ba ngày 27/12, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng 63.020 tấn, tức tăng tới 95,98% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 129.680 tấn (tương đương 2.144.667 bao, bao 60 kg), góp phần gây áp lực giảm giá trên cả hai sàn giao dịch cà phê kỳ hạn nói chung.

Năm 2022, thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm.

Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số so với năm 2021.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.

Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Đại Dương tăng cao nhất, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2021; mức tăng thấp nhất 7,9% xuất khẩu tới khu vực châu Phi.

Trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tới tất cả các thị trường truyền thống đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng 144,1%; Italia tăng 35,3%; Nhật Bản tăng 29%; Tây Ban Nha tăng 65,2%; Anh tăng 80,6%.

Trong thời gian này, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 56,3% đối với cà phê arabica; mức tăng thấp nhất 19,6% đối với cà phê excelsa.

Giá cà phê duy trì đà giảm, nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê duy trì đà giảm, nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê duy trì đà giảm, nguồn cung gia tăng trong ngắn hạn - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn hiện hữu chờ đón. Cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố đến năm 2024 sẽ dừng tăng lãi suất, tức là dù giảm tần suất và mức tăng nhưng khả năng tăng lãi suất năm 2023 là vẫn có.

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chưa có lời giải. Cùng với đó, lạm phát ở khu vực này đang ở mức cao.

Khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới được rất nhiều chuyên gia nhận định sẽ xảy ra trong năm 2023 tạo tâm lý tiêu cực cho thị trường.

Xen lẫn những lo ngại nổi bật đó, việc Trung Quốc mở cửa biên giới, dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng Covid – 19 từ ngày 08/1 tới đây là tin tích cực cho kỳ vọng các chuỗi cung ứng nguyên liệu, chuỗi sản xuất được nối lại. Tại Việt Nam, thì đây là tín hiệu tốt cho cả du lịch và xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.

Sau những ngày cuối cùng của năm 2022 giá cà phê ở cả thị trường trong nước và thế giới đều giảm hơn so với dự báo, trong tuần này giá cà phê khó có khả năng tăng những ngày đầu tuần. Ở những ngày cuối tuần, các sàn giao dịch, trong đó có giao dịch nông sản, giao dịch cà phê có triển vọng sẽ bật tăng khi chờ đón Trung Quốc hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm liên quan đến Covid-19.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục