Giá cà phê kéo dài xu hướng tiêu cực
Giá cà phê hôm nay 19/9: “Lặng sóng” do lo ngại rủi ro tăng cao
Giá cà phê trong nước hôm nay đồng loạt đi ngang, giá cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 47.500 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 46.800 đồng/kg.
Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch hôm nay giá cà phê ở Lâm Đồng, tại Bảo Lộc, Lâm Hà ở mức 46.900 đồng/kg, tại Di Linh ở ngưỡng 46.800 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Lắk, cụ thể ở tại Cư M'gar ở mức 47.500 đồng/kg, tại Buôn Hồ giá cà phê ở ngưỡng 47.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại Gia Lai, giá ở Pleiku là 47.400 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 47.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Nông, dao động ở ngưỡng 47.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Kon Tum, dao động ở mức 47.400 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM, dao động ở ngưỡng 51.400 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 16/9), trên sàn giao dịch quốc tế giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 24 USD (0,08%), giao dịch tại 2.202 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 25 USD (1,13%), giao dịch tại 2.189 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York điều chỉnh tăng, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 1,30 Cent (0,60%), giao dịch tại 215,1 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 1,45 Cent/lb (0,69%), giao dịch tại 209,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Robusta kéo dài xu hướng tiêu cực, còn đà tăng của Arabica chững lại sau Báo cáo tồn kho tháng 8 của Hiệp hội Cà phê Bắc Mỹ (GCA). Theo đó, tồn kho Arabica trong tháng 8 tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả tuần qua, giá cà phê Robusta có 5 phiên giảm liên tiếp, các mức giảm đều khá mạnh. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 giảm tất cả 62 USD (2,74%), xuống giao dịch tại 2.202 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới trung bình.
Giá cà phê Arabica có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, các mức giảm mạnh. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 12 giảm tất cả 13,40 Cent (5,86%), xuống giao dịch tại 215,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Tính đến ngày 15/9, tồn kho cà phê Robusat được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 1.250 tấn, tức tăng 1,39% so với ngày hôm trước, lên ghi nhận tồn kho ở mức 91.070 tấn (tương đương 1.517.833 bao, bao 60 kg).
Nổi bật trong tuần qua là các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ tiếp tục xu hướng tiêu cực, với lạm phát vẫn "nóng" hơn dự báo và doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến, dẫn tới lo ngại rủi ro tăng cao khi suy đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, để ngăn chặn lạm phát. Cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung, đã làm chỉ số USDX dao động ở mức cao 20 năm khiến các giới đầu cơ hàng hóa hầu như rời khỏi các thị trường.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối xu hướng tiêu cực do lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát vượt mức… Ngoài ta, thông tin cuộc đình công của hàng trăm ngàn công nhân ngành Đường Sắt Liên bang có nguy cơ đẩy lạm phát Mỹ lên cao hơn nữa.
Tâm điểm chú ý của các thị trường trong tuần tới là cuộc họp điều hành chính sách tiền tệ định kỳ của Fed (Mỹ) và Copom (Brazil) nhằm xem xét khả năng nâng mức lãi suát cơ bản lên thêm nữa nhằm ngăn chặn lạm phát vượt mức.
Báo cáo tồn kho tháng 8 của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) ở Bắc Mỹ tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh người Brazil đẩy mạnh bán hàng vụ mới năm nay do tỷ giá đồng Real đang ở mức có lợi cũng khiến giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn có xu hướng duy trì sự tiêu cực kéo dài.
Hôm nay (ngày 19/9), thị trường London đóng cửa cả ngày không giao dịch, Lễ Quốc tang Nữ Hoàng Anh. Thị trường New York mở cửa muộn sau 18 giờ 30.
Về trung và dài hạn, giá cà phê sẽ tăng trở lại
Trước đó, những ngày đầu tháng 9/2022, thị trường cà phê toàn cầu đón nhận thông tin không mấy tính cực. Lạm phát tăng cao, mối lo ngại về suy thoái kinh tế tại khu vực Eurozone và áp lực bán hàng vụ mới của Brazil khiến giá cà phê thế giới giảm trở lại.
Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê năm 2022 của nước này ước đạt 53,7 triệu bao loại 60 kg, tăng 0,9% so với dự báo trước đó và tăng 9,6% so với năm 2021. Sự gia tăng nhẹ so với dự báo hồi tháng 8 là do dự báo sản lượng cà phê Conilon Robusta cao hơn.
Trên sàn giao dịch London, ngày 9/9/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022, tháng 11/2022, tháng 1/2023 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 0,5%, 0,1%, 0,2% và 0,6% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 2.269 USD/tấn, 2.276 USD/tấn, 2.255 USD/tấn và 2.218 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 9/9/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022 và tháng 12/2022 cùng giảm 6,7% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 225,85 Uscent/ lb và 222,2 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 5/2023 cùng giảm 6,5% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 216,7 Uscent/lb và 213,2 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 9/9/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 4,5%, 4,0% và 3,7% so với ngày 29/8/2022, xuống còn lần lượt 274 Uscent/lb; 272,75 Uscent/lb và 275,1 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.310 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 24 USD/tấn (tương đương mức giảm 1,0%) so với ngày 29/8/2022.
Dự báo giá cà phê thế giới chịu áp lực giảm trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn, giá cà phê sẽ tăng trở lại. Ngân hàng đầu tư Rabobank đã điều chỉnh dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 giảm 1,92% xuống mức 169 triệu bao và vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức 170,30 triệu bao. Do đó, thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt 1,3 triệu bao.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Columbia, nước này cũng đang gặp khó khăn trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn. Tại Hondurat, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Tại Costa rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Còn tại Uganda, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê Robusta của nước này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 112,53 nghìn tấn, trị giá 266,14 triệu USD, giảm 1,2% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 giảm 4,0% về lượng, nhưng tăng 12,8% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,25 triệu tấn, trị giá 2,83 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam tăng tháng thứ 3 liên tiếp, lên mức 2.365 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 7/2022 và tăng 17,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Ý, Nga, Tây Ban Nha, Philippines. 8 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Angieri. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng trưởng 3 con số; sang Anh, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng 2 con số.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ không giảm và phục hồi trở lại vì nguồn cung cà phê trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023.