Giá cà phê sẽ tăng mạnh bởi nguồn cung thiếu hụt?
Giá cà phê hôm nay 12/9: Khả quan đầu tuần, giá cà phê đạt đỉnh 48.400 đồng/kg
Giá cà phê trong nước tuần này (từ 12/9 – 17/9) được dự báo tiếp tục có tín hiệu khả quan, tăng nhẹ.
Phiên mở cửa ngày 12/9, giá cà phê dao động từ 47.800 – 48.400 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê hôm nay (ngày 12/9) tại các huyện Ia Grai, thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) và một số huyện tại tỉnh Kon Tum đều duy trì ở mức 48.300 đồng/kg.
Riêng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk vẫn được thu mua với giá cao nhất 48.400 đồng/kg (trừ huyện Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ giá cà phê là 48.300 đồng/kg). Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê được thu mua với mức 47.800 đồng/kg.
Trên thế giới, giá cà phê trên sàn phái sinh liên tục tăng giảm trái chiều trong tuần qua. Một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn là nhà xuất khẩu cà phê số 1 thế giới - Brazil đã trải qua thời tiết xấu vào năm ngoái sau khi bị ảnh hưởng bởi cả hạn hán và băng giá. Các đợt băng giá nghiêm trọng vào tháng 7 đã làm hư hại phần lớn các cánh đồng trong vành đai cà phê chính của Brazil, khiến giá cà phê Arabica tăng tới 20% - mức cao nhất trong gần 7 năm.
Giá cao dự kiến sẽ chiếm ưu thế trong trung hạn do vụ mùa của Brazil bị kìm hãm, từ đó mang lại thu nhập tốt hơn cho các nhà sản xuất Kenya. Tuy nhiên, sản lượng cà phê năm nay cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào đắt đỏ như phân bón. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê của Kenya trong niên vụ 2022 - 2023 sẽ giảm 10% xuống còn 700.000 bao do giá phân bón tăng. Kể từ đầu năm 2021, giá phân bón toàn cầu đã tăng vọt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Song song đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trên sàn giao dịch quốc tế, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 9/9), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 11/2022 điều chỉnh giảm nhẹ 12 USD (0,53%), giao dịch tại 2.264 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 1/2023 giảm 2 USD (0,09%), giao dịch tại 2.253 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 12/2022tăng 6,3 Cent (0,47%), giao dịch tại 228,50 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 5,95 Cent/lb (0,30%), giao dịch tại 222,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Trên thị trường thế giới hôm nay, giá cà phê tiếp tục biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 2.258 USD/tấn sau khi giảm 0,48% (tương đương 11 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tại New York đạt mức 231,5 US cent/pound, tăng 2,5% (tương đương 5,65 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Theo ICO, sau khi giảm trong tháng 7, giá cà phê thế giới đã tăng trở lại vào tháng 8 do tồn kho toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong tháng trước.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong tháng 8/2022 chỉ số giá cà phê toàn cầu tăng 4,9% so với tháng trước, lên mức trung bình 200,1 US cent/pound. Trong đó giá cà phê Robusta tăng mạnh nhất 9,2%. Giá cà phê Arabica Colombia và Arabica khác cũng tăng lần lượt là 3,4% và 4,9%.
Giá cà phê tăng cao trở lại trong bối cảnh tồn kho cà phê toàn cầu sụt giảm mạnh. Đóng cửa tháng 8/2022, tồn kho cà phê được chứng nhận trên sàn New York ở mức 0,7 triệu bao, giảm 6,5% so với tháng trước và là mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London cũng giảm tới 10,9%, xuống chỉ còn 1,6 triệu bao.
Tồn kho cà phê của Việt Nam cũng đang giảm dần và đây là dấu hiệu cho thấy giá mặt hàng này trên toàn cầu có thể còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9/2022 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ giảm khoảng 6% trong niên vụ 2022 - 2023 xuống 1,72 triệu tấn. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê.
Theo các chuyên gia, mức trừ lùi của cà phê xuất khẩu của Việt Nam so với giá niêm yết trên sàn London đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 200 - 250 USD/tấn, so với mức cao điểm 500 USD/tấn.
Kế hoạch xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành cà phê Việt có bị đe dọa?
Xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm và được kỳ vọng sẽ mang về 4 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là không dễ đạt được do nguồn cung cà phê dành cho xuất khẩu không còn nhiều.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan, cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 8/2022 đạt 110.000 tấn, trị giá 257 triệu USD, giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 9,0% về trị giá so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 2,82 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ vượt mức 3,07 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái.
Giá xuất khẩu cà phê đã tăng đáng kể từ đầu năm tới nay. Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê cả trong nước và thị trường thế giới đều tăng lên mức kỷ lục. Tháng 8/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.336 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 7/2022 và tăng 16,1% so với tháng 8/2021.
8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.268 USD/tấn, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, nếu giá cà phê xuất khẩu giữ ở mức cao, dự kiến cả năm 2022 ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD dù nguồn cung giảm.
Vicofa cũng nhận định, giá cà phê xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đi lên vì nguồn cung trong dân đã cạn, các doanh nghiệp chỉ còn chưa đến 500.000 tấn cho xuất khẩu. Đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023. Nếu giá cà phê xuất khẩu giữ nguyên ở mức cao như nửa đầu năm, thì cả năm 2022 ngành cà phê vẫn có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.
Số liệu cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đã liên tục giảm từ đầu quý III đến nay. Trong tháng 8 lượng cà phê xuất khẩu giảm 4% so với cùng kỳ, xuống còn 112.531 tấn; trước đó xuất khẩu tháng 7 cũng chỉ đạt 113.852 tấn, giảm 6,8%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng sẽ kéo dài đến tháng 11. Lượng hàng nằm trong tay người dân có lẽ chỉ khoảng 2% sản lượng hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 13%.
Theo ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự kiến phải đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 của nước ta chỉ đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn khoảng 120.000 tấn so với 1,62 triệu tấn của niên vụ 2020-2021.
Thị trường cà phê toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ thâm hụt nguồn cung bởi tình hình thời tiết khô hạn tại Brazil gây ảnh hưởng đến sản lượng. Còn tại Colombia, nước này cũng đang chật vật trong việc phục hồi các vườn cà phê sau đợt tàn phá của những cơn mưa lớn.
Trong khi đó, Honduras, Guatemala và Nicaragua đang cạn kiệt nguồn cung từ niên vụ 2021/22. Với Costa Rica, niên vụ cà phê tiếp theo cũng được dự báo sẽ khó khăn. Đồng thời, tình hình hạn hán cũng ảnh hưởng tới sản lượng cà phê robusta của Uganda.
Ngân hàng Citigroup Inc. đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê tại Việt Nam trong năm nay và năm sau do các cuộc khảo sát cây trồng địa phương cho thấy việc mở rộng diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng cao trong năm nay. Nhìn chung, giá các mặt hàng cà phê có thể vẫn duy trì được vùng giá cao từ nay cho đến đầu năm sau.
Cụ thể: Trong một báo cáo, Citigroup Inc. nhận định: “Điều này gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng cho vụ sắp tới”. Theo đó, ngân hàng này đã cắt giảm dự báo vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 và 2 triệu bao cho niên vụ 2021-2022 và 2022-2023.
Trong 3 năm gần đây (2019-2021) lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 1,56 – 1,66 triệu tấn. Nếu dựa theo con số này thì sản lượng dành cho xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm vào khoảng 430.000 – 450.000 tấn.
Mặc dù vậy, giá cả tăng cao vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành cà phê trong thời gian tới.
Tháng 8/2022, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn London và New York. Báo cáo tồn kho ICE tiếp tục giảm và thời tiết khô hạn ở các vùng trồng cà phê Bra-xin. Tại Việt Nam, các kho dự trữ cà phê Robusta hiện còn khoảng 200.000 tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu không muốn đưa cà phê về kho ICE – Europe đăng ký đấu giá vì chi phí logistics cao. Tính đến ngày 22/8/2022, tồn kho cà phê Robusta trên sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm thêm 1.700 tấn (giảm 1,73%) so với tuần trước, xuống còn 96.480 tấn (1.608.000 bao, 60 kg).
Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lo ngại nguồn cung thiếu hụt sẽ hỗ trợ giá cà phê tăng. Theo khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023. Trong khi đó, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ không đạt mức dự báo 61,1 triệu bao do hệ quả của những đợt sương giá và khô hạn năm ngoái.