Giá cà phê tiếp tục giảm, mối lo thiếu hụt nguồn cung đã dịu bớt
Giá cà phê hôm nay 20/3: Lặng sóng, thấp nhất 46.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới đầu tuần tiếp tục giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2023 được ghi nhận tại mức 2.064 USD/tấn sau khi giảm 1,9% (tương đương 40 USD).
Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 176,60 US cent/pound sau khi giảm 1,92% (tương đương 3,45 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h10 (giờ Việt Nam).
Trước đó cả tuần qua, thị trường London có 4 phiên tăng giảm và 1 phiên tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm tất cả 76 USD, tức giảm 3,55 %, xuống 2.064 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 77 USD, tức giảm 3,61 %, còn 2.054 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, thị trường New York có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm tất cả 1,20 cent, tức giảm 0,67 %, xuống 176,60 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 1,65 cent, tức giảm 0,93 %, còn 175,45 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên lặng sóng ngày đầu tuần, dao động trong 46.000 - 46.400 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 46.000 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với giá 46.200 đồng/kg. Tỉnh Gia Lai đang giao dịch ở mức 46.300 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk ở mức 46.400 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê kỳ hạn biến động khá mạnh trong tuần qua khi có tin tức về một số ngân hàng lớn trên thế giới đứng bên bờ vực phá sản, đã buộc các ngân hàng trung ương phải ra tay bơm hàng chục tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản. Rất may mắn là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nhanh chóng ổn định, lo ngại rủi ro đã giảm bớt với khả năng Fed sẽ không mạnh tay tại phiên họp điều hành tiền tệ sắp tới như đã suy đoán.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng giảm khi báo cáo tồn kho do ICE quản lý tiếp nối đà tăng làm mối lo thiếu hụt nguồn cung hầu như đã dịu bớt, trong khi các nhà sản xuất chính như Brazil, Colombia, Indonesia cũng sắp bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới giữa năm nay.
Tính đến thứ sáu ngày 17/03, tồn kho Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã tăng thêm 2.190 tấn, tức tăng 2,97 % so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 75.960 tấn (tương đương 1.266.000 bao, bao 60 kg), ghi nhận mức tồn kho tăng liên tiếp tuần thứ tư.
Triển vọng nguồn cung tích cực hơn tại cả 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Brazil và Colombia sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi thời tiết tiếp tục gây áp lực trong thời gian tới, đặc biệt khi Brazil chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch của mùa vụ mới giúp nguồn cung trên thị trường trở nên nới lỏng, từ đó gây áp lực lên giá cà phê.
Trước đó, thị trường cà phê tháng 2 sôi động bởi những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Theo đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil và báo cáo tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê thế giới.
Giá cà phê arabica trên sàn New York đã phục hồi trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn thị trường nội địa Brazil. Trong khi đó, lượng tồn kho xuống thấp sau hai vụ mùa yếu kém khiến người nông dân không muốn bán ra ở mức giá hiện tại. Trong bối cảnh này, các thương nhân quốc tế đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cà phê tại các nước sản xuất khác với mức giá gần với giá tương lai trên sàn New York.
Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), dự trữ cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn New York giảm 5% so với tháng trước, xuống còn 0,86 triệu bao (loại 60 kg/bao). Tuy nhiên, dự trữ Robusta được chứng nhận tăng 13,8% lên 1,19 triệu bao.
Theo khảo sát hồi đầu tháng 2, nguồn cung cà phê thế giới trong niên vụ 2022-2023 có thể thiếu hụt khoảng 4,15 triệu bao. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại đã giảm 2,8% xuống 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
ICO giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Với Colombia, sản lượng lượng cà phê trong tháng đầu năm 2023 đã không ghi nhận tăng trưởng sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này khiến tổng sản lượng cà phê trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023 của nước này giảm 10% xuống 11 triệu bao.
Còn tại Peru, tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập trong các báo cáo gần đây. Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của nước này.
Lượng bán ra của các nước xuất khẩu lớn chậm lại
Xét theo khu vực, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ đã giảm 19,9% trong tháng đầu năm 2023 xuống còn 3,9 triệu bao, do tổng xuất khẩu của ba quốc gia sản xuất chính trong khu vực là Brazil, Colombia và Peru giảm 21%.
Theo đó, xuất khẩu cà phê của Brazil và Colombia giảm lần lượt là 16% và 18,8%, tương ứng đạt 2,9 triệu bao và 0,8 triệu bao. Trong khi xuất khẩu của Peru giảm tới 63,9% trong tháng 1, sau khi đã giảm 41,5% vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.
Với Colombia, sự sụt giảm vẫn chủ yếu liên quan đến điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của hiện tượng La Niña. Sản lượng cà phê của Colombia trong tháng đầu năm 2023 đã không ghi nhận tăng trưởng sau 4 tháng sụt giảm liên tiếp. Điều này khiến tổng sản lượng cà phê trong 12 tháng tính đến tháng 1/2023 của nước này giảm 10% xuống 11 triệu bao.
Còn tại Peru, tác động tiêu cực của thời tiết đối với sản xuất và xuất khẩu đã được đề cập trong các báo cáo gần đây. Mặt khác, tình hình chính trị bất ổn cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của nước này.
Sự sụt giảm còn được lý giải là do mức nền cao của năm ngoái khi khối lượng xuất khẩu của Peru tăng bất thường, với kỷ lục 435.961 bao cà phê đã được vận chuyển trong tháng 1/2022. Con số này vượt xa khối lượng xuất khẩu trung bình 195.565 bao trong sáu năm qua (2016–2021).
Tiếp đến là khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3,4 triệu bao trong tháng 1 và giảm 3,3% xuống 14,4 triệu bao trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023. Ba quốc gia sản xuất hàng đầu của khu vực là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia có khối lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 12,7%, 39,7% và 18,8%, đạt tương ứng 2,4 triệu bao, 0,3 triệu bao và 0,6 triệu bao.
Theo ICO, số ngày làm việc ít hơn do trùng với kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam. Ngược lại, xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Phi tăng 19,5% trong tháng 1 và tăng 1,4% sau 4 tháng đầu niên vụ hiện tại, đạt 4,2 triệu bao.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê từ Uganda, nhà sản xuất lớn nhất khu vực đã tăng 22,9% trong tháng 1 lên 0,5 triệu bao. Qua đó chấm dứt 12 tháng suy giảm liên tiếp của nước này. Năm ngoái, xuất khẩu cà phê của Uganda giảm xuống 5,6 triệu bao so với 6,8 triệu bao của năm 2021.
Tồn kho toàn cầu ở mức thấp, trong khi xuất khẩu giảm tại Indonesia, Việt Nam đã tạo cơ hội để Uganda gia tăng xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023.
Còn tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 5% trong tháng 1 và giảm 11,4% sau 4 tháng của niên vụ hiện tại, đạt tổng cộng là 2,7 triệu bao. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ El Salvador (-58,3%), Guatemala (-40,9%) và Nicaragua (- 22,5%), trong khi xu hướng tăng được nhìn thấy ở Honduras (+2,8%) và Mexico (+61,4%).
Với riêng Honduras, đây là mức tăng đầu tiên trong vòng một năm qua khi quốc gia này đang bước vào mùa thu hoạch cao điểm và nguồn cung khá dồi dào để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng đà tăng giá trong thời gian tới sẽ chậm lại bởi những thông tin xấu ở thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sức mua của các quỹ. Theo đó, dự kiến Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 3, ảnh hưởng đến chi phí vốn của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc ngân hàng SVB sụp đổ cũng ảnh hưởng đến tâm lý người mua.
Xét về nguồn cung, lượng cà phê tại Indonesia chuẩn bị sẽ được bổ sung vào thị trường do nước này vào vụ thu hoạch mới. Trong khi đó, lượng xuất khẩu của các nước đang có xu hướng chậm lại, do đó, đà tăng giá khó lòng duy trì. Tuy nhiên, về dài hạn, các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường có những yếu tố tích cực hỗ trợ giá khi nguồn cung nhiều quốc gia bị suy giảm và có thể xảy ra tình trạng thiếu cung.