Giá cà phê vẫn trên đà đi lên, cà phê nội tăng giá ngày thứ 3 liên tiếp
Giá cà phê ngày 10/03/2023: Robusta London tăng nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London duy trì xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 9 USD, lên 2.168 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng tăng thêm 9 USD, lên 2.157 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York duy trì xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 2,30 cent, xuống 175,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 2,20 cent, còn 174,60 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 200 đồng, lên dao động trong khung 47.800 - 48.200 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 47.800 đồng/kg. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông có cùng mức 48.100 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk tăng lên mức 48.200 đồng/kg - mức giao dịch cao nhất kể từ đầu tuần.
Giá cà phê kỳ hạn duy trì xu hướng trái chiều khi chưa có thêm thông tin mới nào ngoài báo cáo tồn kho do ICE quản lý tiếp tục được bổ sung đáng kể.
Trong khi báo cáo của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) tuần liền kề cho thấy bộ phận đầu cơ phi thương mại trên sàn Arabica New York có khả năng đã chuyển sang vị thế mua ròng khá mạnh tay kể từ thứ ba ngày 14/02 đến nay cần thanh lý, cân đối, khiến giá cà phê kỳ hạn sàn này kéo dài chuỗi giảm. Điều này đã làm giá cách biệt giữa hai sàn gia tăng đáng kể đã kích thích đầu cơ “bán New York mua London” để thu lợi ngắn hạn.
Tuy nhiên, khối lượng thương mại trong những phiên giao dịch gần đây chưa thể hiện sự hấp dẫn của mặt hàng vốn có tính thanh khoản cao do nhà dầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước áp lực lãi suất vốn vay có khả năng tăng cao khi suy đoán các ngân hàng trung ương lớn sẽ mạnh tay hơn nữa tại các phiên họp điều hành tiền tệ sắp tới.
Tháng 02/2023, giá cà phê Robusta và Arabica tiếp tục tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tốc độ tăng giá cà phê được dự báo sẽ chậm lại do tồn kho tăng. Tính đến ngày 24/2/2023, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận đã tăng thêm 0,23%, lên mức 67.180 tấn. Bên cạnh đó, nguồn cung sẽ sớm được bổ sung khi Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/02/2023, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 3,9%, 5,2%, 5,8% và 6,1% so với ngày 28/01/2023, lên mức 2.133 USD/tấn; 2.121 USD/tấn; 2.099 USD/tấn và 2.067 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/02/2023, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 9,7%, 8,7%, 7,9% và 7,6% so với ngày 28/01/2023, lên mức 186,45 Uscent/lb, 184,9 Uscent/lb, 182,75 Uscent/lb và 180,7 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/02/2023, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 1,5% và 6,5% so với ngày 28/01/2023, lên mức 233,05 Uscent/lb và 232,8 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 7/2023 và tháng 9/2023 cùng tăng 9,8% so với ngày 28/01/2023, lên mức 229,2 Uscent/ lb và 225,95 Uscent/lb.
Tháng 2/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh. Ngày 28/02/2023, giá cà phê Robusta tăng từ 4.300 – 4.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/01/2023. Tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông, giá cà phê Robusta cùng tăng 4.300 đồng/kg, lên mức 47.100 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê Robusta tăng 4.400 đồng/kg, lên mức 47.200 đồng/kg; tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê tăng 4.500 đồng/kg, lên mức 46.700 đồng/kg.
Theo ước tính, xuất khầu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 393 triệu USD, tăng 26,3% về lượng và tăng 26,5% về trị giá so với tháng 1/2023, so với tháng 2/2022 tăng 28,7% về lượng và tăng 22% về trị giá. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.182 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 1/2023, nhưng giảm 3,9% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.180 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá cà phê toàn cầu được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng 11,4% trong tháng 2 lên mức bình quân 174,8 US cent/pound. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 169,5 đến 183,9 US cent/pound.
Đà tăng giá này được ghi nhận ở tất cả các nhóm cà phê, với Arabica Colombia và Arabica khác tăng lần lượt 8,9% và 11,1%, lên 238,4 và 229,7 US cent/pound. Tương tự, Arabica Brazil và cà phê Robusta tăng 14,8 % và 8,3%, đạt trung bình 195,2 và 104 US cent/pound.
Trên thị trường kỳ hạn London giá cà phê Robusta tăng 9,8%, trong khi Arabica trên sàn ICE New York tăng tới 13,2%. Do đó, chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn New York và London tăng 17,2% trong tháng 2, lên mức 86,7 US cent/pound so với 74 US cent/pound của tháng trước.
Dự trữ cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn New York giảm 5% so với tháng trước, xuống còn 0,86 triệu bao (loại 60 kg/bao). Tuy nhiên, dự trữ Robusta được chứng nhận tăng 13,8% lên 1,19 triệu bao.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 39,9 triệu bao.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm gần 90% xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 với khối lượng đạt 10,2 triệu bao, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 36 triệu bao, giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil đảo chiều giảm 17% trong tháng 1 và giảm 0,1% sau 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuống 13,1 triệu bao.
Các lô hàng Arabica khác tiếp tục đi xuống trong tháng thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 18% trong tháng 1 xuống 1,6 triệu bao. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này sau 4 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ đạt 5,1 triệu bao, giảm 18%.
Biến động mạnh nhất phải kể đến nhóm Arabica Colombia, xuất khẩu nhóm cà phê này đã giảm tới 20,9% trong tháng 1 và giảm 15,9% trong 4 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống 3,7 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 10,1% trong tháng 1 và giảm 1,4% trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt gần 14 triệu bao.
Không nằm ngoài xu hướng chung, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 3% trong tháng 1 xuống 0,9 triệu bao.
Tổng cộng 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã có 3,7 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, giảm 11,2% so với niên vụ cà phê trước và chiếm tỷ trọng khoảng 10,1% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu.
Xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 9% trong tháng 1, xuống 61.683 bao. Lũy kế sau 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, khối lượng cà phê rang xay được xuất khẩu trên thế giới đã giảm xuống còn 278.977 bao so với 289.578 bao cùng kỳ năm trước.