Giá cà phê Arabica kết thúc chuỗi giảm, Robusta vẫn còn tiêu cực
Giá cà phê hôm nay 7/3: Quay đầu giảm 200 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 9 USD, xuống 2.153 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 8 USD, còn 2.142 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều kết thúc chuỗi giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 2,45 cent, lên 180,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 2,50 cent, lên 179,70 cent/lb, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 47.400 - 47.800 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 47.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông đang cùng ghi nhận mức 47.700 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm xuống mức 47.800 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng trái chiều sau khi thị trường công bố dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) được cập nhật theo tiến độ xử lý cho thấy vị thế đầu cơ gần đây được rõ ràng hơn.
Theo báo cáo CFTC, đầu cơ ngắn hạn của các Quỹ quản lý tiền trên sàn London đã tăng vị thế mua ròng thêm 32,67% trong tuần thương mại tính đến thứ ba ngày 28/02 lên đăng ký mua ròng ở 19.718 lô, tương đương 2.386.333 bao và có khả năng không thay đổi mấy kể từ đó đến nay đã khiến thị trường tiếp tục cân đối, thanh lý bớt vị thế mua ròng trong những phiên giao dịch vừa qua.
Tính đến thứ hai ngày 06/03, tồn kho cà phê Robusta do sàn ICE – London quản lý đã tăng thêm 3.610 tấn, tức tăng 5,15% so với một tuần trước đó, lên đăng ký ở mức 73.740 tấn (tương đương 1.229.000 bao, bao 60 kg), đã góp phần khiến giá kỳ hạn tại London tiếp tục xu hướng tiêu cực.
Trong khi đó, bộ phận đầu cơ phi thương mại trên sàn New York đã giảm vị thế bán ròng bớt 18,62% trong tuần thương mại tính đến thứ ba ngày 07/02 xuống đăng ký bán ròng ở 16.346 lô, tương đương 4.634.019 bao và có khả năng đã chuyển sang vị thế mua ròng trong giai đoạn thương mại tổng thể tích cực hơn kể từ sau đó.
Thị trường cà phê Arabica New York kết thúc chuỗi giảm sau báo cáo thời tiết ở Brazil đã kết thúc những ngày mưa lũ, nông dân đã ra đồng để chăm sóc mùa màng trở lại và tỷ giá đồng Reais tăng 0,63%, lên ở mức 1 USD = 5,1660 R$ đã khiến người Brazil giảm bán, trong khi Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 2 giảm 6% so với cùng kỳ cũng góp phần hỗ trợ xu hướng giá tăng.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết giá cà phê thế giới đã tăng 11,4% trong tháng 2 lên mức bình quân 174,8 US cent/pound. Trong khi đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục giảm trong tháng 1 và 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Cụ thể: Chỉ số giá cà phê toàn cầu được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng 11,4% trong tháng 2 lên mức bình quân 174,8 US cent/pound. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 169,5 đến 183,9 US cent/pound.
Đà tăng giá này được ghi nhận ở tất cả các nhóm cà phê, với Arabica Colombia và Arabica khác tăng lần lượt 8,9% và 11,1%, lên 238,4 và 229,7 US cent/pound. Tương tự, Arabica Brazil và cà phê Robusta tăng 14,8 % và 8,3%, đạt trung bình 195,2 và 104 US cent/pound.
Trên thị trường kỳ hạn London giá cà phê Robusta tăng 9,8%, trong khi Arabica trên sàn ICE New York tăng tới 13,2%. Do đó, chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn New York và London tăng 17,2% trong tháng 2, lên mức 86,7 US cent/pound so với 74 US cent/pound của tháng trước.
Dự trữ cà phê Arabica được chứng nhận trên sàn New York giảm 5% so với tháng trước, xuống còn 0,86 triệu bao (loại 60 kg/bao). Tuy nhiên, dự trữ Robusta được chứng nhận tăng 13,8% lên 1,19 triệu bao.
Thống kê của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 chỉ đạt 9,7 triệu bao, giảm 10,2% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 1/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đã giảm 6% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống còn 39,9 triệu bao.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm gần 90% xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 1 với khối lượng đạt 10,2 triệu bao, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 36 triệu bao, giảm 5,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê nhân xanh Arabica Brazil đảo chiều giảm 17% trong tháng 1 và giảm 0,1% sau 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuống 13,1 triệu bao.
Các lô hàng Arabica khác tiếp tục đi xuống trong tháng thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 18% trong tháng 1 xuống 1,6 triệu bao. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này sau 4 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023 chỉ đạt 5,1 triệu bao, giảm 18%.
Biến động mạnh nhất phải kể đến nhóm Arabica Colombia, xuất khẩu nhóm cà phê này đã giảm tới 20,9% trong tháng 1 và giảm 15,9% trong 4 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống 3,7 triệu bao.
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 10,1% trong tháng 1 và giảm 1,4% trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt gần 14 triệu bao.
Lượng bán ra của các nước xuất khẩu lớn chậm lại. Trong đó, khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 3,4 triệu bao trong tháng 1 và giảm 3,3% xuống 14,4 triệu bao trong 4 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Ba quốc gia sản xuất hàng đầu của khu vực là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia có khối lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 12,7%, 39,7% và 18,8%, đạt tương ứng 2,4 triệu bao, 0,3 triệu bao và 0,6 triệu bao. Theo ICO, số ngày làm việc ít hơn do trùng với kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam.
Trong hai tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg). Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê dao động trong khoảng 46.700 - 47.100 đồng/kg.
Ở chiều tiêu thụ, theo số liệu ước tinh của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khầu cà phê trong tháng 2 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 393 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 27% về trị giá so với tháng 1. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái con số này tăng 29% về lượng và tăng 22% về trị giá.
Tuy nhiên cả tháng 1 năm nay và tháng 2 năm ngoái đều là thời điểm Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ giảm sút nên con số xuất khẩu cà phê trên đều được so sánh với nền thấp, tạo ra sự tăng trưởng. Trên thực tế, nếu tính chung luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2, giá cà phê xuất khẩu ước đạt mức 2.182 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 1, nhưng giảm 4% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.180 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, giá cà phê nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm bất chấp việc tiêu thụ giảm sút.