Giá cá tra ổn định chờ tính hiệu thị trường

20/05/2020 05:23 GMT+7
Để thích ứng với thị trường, người nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì việc chủ động cân đối sản lượng nuôi và sản xuất, chế biến.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 4/2020, diện tích thả nuôi cá tra của ĐBSCL đạt 3.788 ha (bằng 96,65% so với cùng kỳ năm 2019), diện tích thu hoạch đạt 886 ha (bằng 82,88% so với cùng kỳ 2019). Sản lượng thu hoạch đạt trên 248 nghìn tấn (giảm 17% so với cùng kỳ năm 2019).

Trong quý đầu năm nay, xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVD-19, điều này tác động ngược trở lại với sản xuất cá tra trong nước. Giá cá tra tại ĐBSCL đầu năm nay liên tục giảm, khó tiêu thụ. Cùng với đó nhiều hộ nuôi cá tra ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… còn đối mặt với xâm nhập mặn tấn công gây bất lợi cho cá tra. Năm nay, hạn đến sớm hơn, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều con sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4‰ - 25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều.

Giá cá tra ổn định chờ tính hiệu thị trường  - Ảnh 1.

Giá cá tra nguyên liệu giảm, sản lượng cá tra quá cỡ tăng. Để duy trì sản xuất, người nuôi cá tra tại nhiều địa phương đã chuyển đổi hình thức nuôi, từ nuôi thâm canh sang nuôi quảng canh (mật độ thả thưa, cho cá ăn ít lại), nhằm giảm chi phí, giá thành, hạn chế sự lớn nhanh của cá, chờ tín hiệu của thị trường.

Có thể thấy, giá cá tra tại ĐBSCL trong quý 1/2020 có xu hướng giảm dần dần. Từ mức 20.000 – 21.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 1 – đầu tháng 2/2020. Tiếp đó giá giảm về mức 18.000 – 18.500 đồng/kg. Tính đến giữa tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019, dao động ở mức 19.500 đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn. Đây là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam nên ngay khi diễn biến thị trường thay đổi đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu.

Mức giá này tiếp tục duy trì suốt tháng 3/2020, giá cá tra bán chỉ bình quân khoảng 18.000 đồng hoặc 19.000 đồng/kg, trong khi chi phí cho mỗi kg cá thương phẩm từ 21.000 đến 22.000 đồng, nên nhiều người nuôi cá tra bị lỗ. Thậm chí có diện tích sau khi cất hầm (bán cá) thì người nuôi không tiếp tục thả cá nữa. Hiện nay, giá cá tra thương phẩm loại 1 dao động ở mức 18.000-18.500 đồng/kg. Như vậy, đây là mức giá ổn định duy trì trong suốt 2 tháng nay và có thể trong tháng 5-6/2020 tới.

Giá cá tra giống dao động từ 26.000 – 27.000 đồng/kg loại 1,5 cm, mẫu 70 con/kg, 24.000 - 24.500 đồng/kg loại 1,7 cm – 2,5 cm.

Sau khi giá cá tra xuất khẩu trung bình giảm xuống mức 2,15 – 2,25 USD (tháng 10-12/2019) từ giá tốt 2,75 USD vào tháng 3/2019. Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu đã tăng lên mức 2,25 – 2,35 USD/kg trong tháng 1/2020. Tuy nhiên, trong tháng 2 và 3/2020, giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu lại giảm xuống mức dưới 2,2 USD/kg.

Theo VASEP cho tới nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra đang phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tại các thị trường khác vẫn còn bị ảnh hưởng của Covid-19. Do đó, ít nhất hết quý II/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra tại hầu hết các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, để thích ứng với thị trường, người nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì việc chủ động cân đối sản lượng nuôi và sản xuất, chế biến.

Minh Ngọc/Nhịp sống kinh tế
Cùng chuyên mục