Giá cao su hôm nay 11/9: Giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước giảm
Giá cao su hôm nay 11/9: Giá cao su trái chiều
Giá cao su ngày 11/9, giá cao su cuối tuần trái chiều trên thị trường, tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE) và tại Sàn Tocom (Tokyo - Nhật Bản).
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom), giá cao su kỳ hạn giao tháng 9/2022 ghi nhận mức 222,9 yen/kg, tăng 0,36%, tăng 0,8 yen/kg. Các kỳ hạn cao su tháng 10, 12 và tháng 1/2023 đều ghi nhận tăng nhẹ. Kỳ hạn cao su tháng 11 giảm 0,22%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2022 đứng ở mức 11.420 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,91%, giảm 105 nhân dân tệ/tấn.
Giá cao su Thượng Hải cuối tuần giảm ở các kỳ hạn tháng 10, 11, và tháng 3/2023 ở mức giảm gần 1%. Kỳ hạn cao su tháng 1/2023 tăng nhẹ 0,04%.
Tháng 8/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á giảm mạnh so với tháng 7/2022. Tâm lý thị trường gần đây bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu về sự suy yếu mới tại Trung Quốc do khủng hoảng bất động sản, sự bùng phát của dịch Covid-19 và các đợt nắng nóng làm gián đoạn sản xuất tại một số tỉnh.
Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su RSS3 biến động mạnh, sau khi giảm xuống mức 220 yen/kg vào ngày 17/8/2022, giá có xu hướng tăng trở lại, nhưng vẫn giảm mạnh so với cuối tháng trước. Ngày 29/8/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 227 yen/kg (tương đương 1,64 USD/kg), giảm 8,1% so với cuối tháng 7/2022, nhưng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tăng trưởng hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 19 tháng trong tháng 8/2022 do sản lượng và các đơn hàng mới giảm sâu, trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ chi phí nguyên liệu thô và năng lượng, cộng với nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 biến động mạnh, giảm xuống mức 11.850 nhân dân tệ/ tấn vào ngày 15/8/2022, sau đó giá tăng trở lại, nhưng so với cuối tháng 7/2022 giá vẫn giảm. Ngày 29/8/2022, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 11.950 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1,73 USD/kg), giảm 1,9% so với cuối tháng 7/2022 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá cao su cũng giảm mạnh so với tháng 7/2022. Sau khi giảm xuống mức 52,4 Baht/kg vào ngày 16/8/2022, giá tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm mạnh so với tháng 7/2022. Hiện giá cao su RSS3 được chào bán ở mức 53,2 Baht/kg (tương đương 1,46 USD/kg), giảm 12,7% so với cuối tháng 7/2022 và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian tới, sản lượng cao su của Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại nước này, gồm cả các tỉnh trồng cao su phía Nam.
Trong tháng 8/2022, giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước giảm so với tháng 7/2022. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 285-290 đồng/TCS, giảm 5-17 đồng/TCS so với cuối tháng 7/2022. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 293-295 đồng/ TSC, giảm 18 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022. Tại Gia Lai, mủ cao su được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 265-275 đồng/TSC, giảm 20 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2022.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 320 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với tháng 7/2022; so với tháng 8/2021 tăng 11% về lượng và tăng 3% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cao su trong tháng 8/2022 đạt 1.523 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng 7/2022 và giảm 7,2% so với tháng 8/2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,19 triệu tấn, trị giá 2 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 550,49 nghìn tấn, trị giá 939,18 triệu USD, giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,72% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 548,98 nghìn tấn, trị giá 935,64 triệu USD, giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 1,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, Latex, SVR 20, SVR 10, cao su hỗn hợp (HS 4005), RSS3, SVR 3L, cao su tái sinh...
Về giá xuất khẩu: trong 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, cao su tổng hợp, SVR 20, SVR 5…
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 7,73 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu từ Malaysia và Hàn Quốc giảm, trong khi trị giá nhập khẩu cao su từ các thị trường Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 chiếm 15,4%, cao hơn so với mức 15,3% của 7 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cho xuất khẩu mủ cao su và cao su sơ chế của Việt Nam 5 tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bởi chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ cao su của Trung Quốc trong năm 2022.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt 2,33 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường: Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Việt Nam và Lào.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 168,98 triệu USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,3% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 6,3% của 7 tháng đầu năm 2021.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như: Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippinnes…; Trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Srilanka…
Trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) của Trung Quốc đạt 3,14 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,01 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 32,1% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 34,3% của 7 tháng đầu năm 2021. Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippinnes; trong khi giảm nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Đài Loan… so với cùng kỳ năm 2021.
Hội cao su - nhựa TP.HCM nhận định, giá cao su dự báo sẽ tăng khó khăn trong những tháng cuối năm mặc dù thời gian này thường là mùa sản xuất trong năm. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát thế giới vẫn tiếp diễn, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khó đoán định.