Giá dầu bật tăng, nông sản rung lắc mạnh
Trong khi giá nhiều mặt hàng nhóm nông sản và kim loại đi xuống thì sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng giá năng lượng và nguyên liệu công nghiệp. MXV-Index tăng 0,66% lên 2.130. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức trên 3.800 tỷ đồng.
"Sức nóng" ở Trung Đông đẩy giá dầu cao thêm 3%
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu bất ngờ tăng hơn 3% do lo ngại xung đột Trung Đông mở rộng sau khi Israel từ chối lời đề nghị ngừng bắn của Hamas. Ngoài ra, lo lắng về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu cũng đẩy giá dầu tăng cao. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 3,2% lên 76,22 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,06% lên 81,83%. Cả hai loại dầu thô ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp và hiện ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô trong ngày hôm qua.
Trong khi đó, tại Biển Đỏ, các hãng vận tải biển lớn đưa ra cảnh báo rằng tình hình an ninh ở đây đang tiếp tục xấu đi, bất chấp nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen.
Theo các nhà phân tích hàng hóa của JPMorgan, giá dầu thô Brent kỳ hạn có thể tăng 10 USD/thùng trong ba tháng tới ngay cả khi không có bất kỳ khoản phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị nào. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tồn kho dầu thô toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh. Ngân hàng này cho biết tồn kho hiện đang ở mức 4,4 tỷ thùng trên toàn thế giới, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2017. Theo JPMorgan, tồn kho dầu thô đang giảm trên khắp thế giới do nền kinh tế vẫn kiên cường với việc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc duy trì tăng trưởng ổn định, nhu cầu dầu có tín hiệu tích cực.
Giá đậu tương đóng cửa tăng nhẹ
Giá đậu tương rung lắc mạnh trong suốt phiên giao dịch ngày hôm qua trong bối cảnh các báo cáo quan trọng là Báo cáo bán hàng xuất khẩu (Export Sales) và Báo cáo ước tính cung cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 2 được công bố. Số liệu trong các báo cáo này hầu hết mang tính "bearish" nên giá đậu tương đã nhanh chóng lao dốc. Nhưng lực mua kỹ thuật giúp đậu tương đóng cửa tăng nhẹ 0,38%.
Nguồn cung từ Nam Mỹ là tâm điểm chú ý của thị trường trong báo cáo WASDE tháng 2. Dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina được USDA duy trì ở mức 50 triệu tấn, không thay đổi so với báo cáo tháng 1. Trong khi đó, USDA giảm nhẹ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 156 triệu tấn, thấp hơn 1 triệu tấn so với báo cáo tháng 1 nhưng cao nhiều so với mức 153,15 triệu tấn dự đoán trung bình của thị trường. Đáng chú ý, dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil được nâng lên 100 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với ước tính trước. Triển vọng lạc quan của nguồn cung từ Nam Mỹ đã tác động lên diễn biến giá đậu tương.
Dữ liệu từ báo cáo Export Sales cho thấy, Mỹ đã bán gần 340.790 tấn đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 26/1 - 1/2. Tuy tăng tới 107,2% so với một tuần trước, nhưng con số này vẫn nằm dưới khoảng dự đoán là 0,4 - 1 triệu tấn, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Do kết quả xuất khẩu tiêu cực thời gian gần đây, USDA trong báo cáo WASDE đã cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ xuống còn 1,72 tỷ giạ, giảm 35 triệu giạ so với ước tính tháng 1. Tồn kho đậu tương cuối niên vụ 23/24 của nước này cũng tăng lên mức 315 triệu giạ, tăng so với mức 280 triệu giạ trong báo cáo tháng 1, phản ánh cắt giảm trong xuất khẩu. Triển vọng xuất khẩu tiêu cực của Mỹ đã gây áp lực lớn lên giá đậu tương.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Giá khô đậu giảm hơn 1% và ghi nhận phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp. Ngược lại, giá dầu đậu tương có phiên khởi sắc thứ 4 liên tiếp với mức tăng 2,52%. Giá dầu cọ và giá dầu thô tăng đã hỗ trợ cho giá dầu đậu.