Giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào năm tới?
Trên thị trường quốc tế hôm 2/7, giá dầu Brent giao sau chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 75,76 USD/ thùng, giảm nhẹ 0,11%. Tính từ đầu năm đến nay, hợp đồng tương lai dầu Brent tăng hơn 45%, từ mức 51,80 USD/ thùng được ghi nhận hôm 1/1.
Hợp đồng tương lai dầu WTI giao dịch ở mức 74,28 USD/ thùng trong phiên giao dịch sớm ngày 2/7 trên sàn London, giảm gần 0,1%. Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI kỳ hạn đã tăng hơn 51,4%.
Chỉ tính riêng trong tháng 6, hợp đồng tương lai dầu Brent tăng hơn 8% còn hợp đồng tương lai dầu WTI tăng hơn 10%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2018. Các nhà phân tích nhận định nguyên nhân dẫn đến đà tăng của giá dầu là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19, việc các chính phủ nới lỏng dần các biện pháp đóng cửa kinh tế cũng như các quốc gia OPEC+ tiếp tục duy trì mức cắt giảm sản lượng hợp lý ngăn dầu ồ ạt tràn ra thị trường.
Các chuyên gia phố Wall thậm chí tin rằng thị trường dầu thô có khả năng tiếp tục tăng vọt trong những tháng tiếp theo.
Dự báo giá dầu
Goldman Sachs nhận định giá dầu Brent có thể dao động quanh ngưỡng bình quân trên 80 USD/ thùng trong quý III tới, thậm chí có tiềm năng tăng đột biến cao hơn dự báo nếu nhu cầu dầu toàn cầu tăng vọt khi các nền kinh tế mở cửa trở lại.
JP Morgan thận trọng hơn khi dự báo giá dầu thô sẽ “đột phá” mốc 80 USD/ thùng vào quý IV năm nay.
Lạc quan nhất là các nhà phân tích tại Bank of America, những người dự báo rằng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào quý II/2022. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên giá dầu chạm mốc 3 chữ số kể từ năm 2014.
Các dự báo đầy lạc quan về giá dầu được đưa ra sau khi cả ba cơ quan dự báo chính của thế giới - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều kỳ vọng sự phục hồi nhu cầu dầu tăng tốc trong nửa cuối năm 2021.
Ông Tamas Varga, nhà phân tích dầu tại PVM Oil Associates nhận định rằng kho dự trữ dầu toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng đã giảm trong năm qua, đây là một yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng. “Xu hướng này sẽ kéo dài trong phần còn lại của năm.. Nó sẽ chỉ kết thúc đột ngột nếu các Ngân hàng Trung ương bắt đầu tăng lãi suất bất ngờ vì quan ngại lạm phát, hoặc nếu các nước OPEC và đồng minh tăng mạnh sản lượng dầu vượt quá nhu cầu. Một trường hợp khác, là khi Iran quay trở lại thị trường dầu (nhờ gia hạn được thỏa thuận hạt nhân) và OPEC không thể cân bằng thị trường. Tuy nhiên, trường hợp thứ ba khó mà xảy ra vào lúc này”.
Còn nhiều bất ổn
Tuy nhiên, các yếu tố không chắc chắn vẫn có thể làm mờ triển vọng giá dầu. Chẳng hạn, sự lan rộng của biến chủng delta gây dịch Covid-19 trên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm mối quan ngại về sự suy giảm nhu cầu dầu khi nhiều nền kinh tế tiếp tục vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch. Tại nhiều khu vực như Trung Quốc, việc gia hạn các biện pháp phong tỏa cũng như thực trạng chi phí sản xuất tăng vọt do lạm phát đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng sản xuất chậm hơn.
Martijn Rats, trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ của Morgan Stanley kỳ vọng giá dầu Brent sẽ giao dịch trong ngưỡng 75-80 USD/ thùng cho đến giữa năm 2022.
Hôm 1/7, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh, một liên minh năng lượng gọi tắt là OPEC+ đã quyết định trì hoãn việc tăng cung dầu ngay lập tức vào thị trường. Theo nguồn tin của Reuters, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE đã chặn đứng kế hoạch nới lỏng ngay lập tức thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. OPEC+ sẽ tiếp tục thảo luận vào ngày 2/7 trước khi đưa ra quyết định tiếp theo về việc điều hướng nguồn cung dầu của nhóm.
Chris Midgley, trưởng bộ phận phân tích toàn cầu của S&P Global Platts cho biết cuộc họp của OPEC + sẽ có “tác động mạnh mẽ” đến giá dầu vì kết quả của nó sẽ tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu ngay từ tháng tới.