Giá đường trong nước được cải thiện, đường nội đã tiêu thụ tốt

30/09/2022 19:24 GMT+7
Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía trong nước có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán trong tháng 8.
Giá đường trong nước được cải thiện, đường nội đã tiêu thụ tốt - Ảnh 1.

Trong tháng 8, giá đường kính trắng dao động trong khoảng 17.600-19.300 đồng/kg tuỳ từng khu vực trên cả nước, giá đường tinh luyện ở mức 17.800-20.200 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trên thị trường nội địa, tính đến ngày 30/8 ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ mía 2021-2022. Lũy kế đến kết thúc vụ toàn ngành đã ép được 7,5 triệu tấn mía sản xuất được gần 745.000 tấn đường, tăng 11,8% về lượng mía ép và 8,3% về lượng đường so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021.

Ngày 1/8, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

Trong tháng 8, lượng đường nhập khẩu chính ngạch đã giảm bớt. Cùng với các đợt kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu, nên các hoạt động này đã được hạn chế. Sự giảm bớt nguồn cung từ các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cũng cải thiện được giá bán.

Cũng theo VSSA, trong tháng 8, giá đường kính trắng dao động trong khoảng 17.600-19.300 đồng/kg tuỳ từng khu vực trên cả nước, giá đường tinh luyện ở mức 17.800-20.200 đồng/kg.

Như vậy trong tháng 8 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam dù đã tăng so với các tháng trước vẫn ở mức thấp hơn so với các đồng nghiệp trong khu vực (đặc biệt chỉ khoảng 50% so với giá đường tại Philippine).

Nạn buôn bán đường cát nhập lậu từ trước nay vẫn là điểm nhức nhối của thị trường đường nội địa. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số liệu xuất khẩu đường từ Thái Lan sang Campuchia và Lào (theo dữ liệu xuất khẩu của OCSB Thái Lan) cho thấy có sự gia tăng mạnh so với cùng kỳ. 

Cụ thể, Campuchia đã nhập khẩu đường từ Thái Lan gần 395.000 tấn tăng 121%, còn Lào còn nhập khẩu hơn 244.000 tấn tăng đến mức 345% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan phần lớn sẽ được buôn bán qua đường tiểu ngạch sang Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2022 đường nhập khẩu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam là hơn 197.700 tấn, trong đó có hơn 101.400 tấn từ Campuchia và hơn 96.300 tấn từ Lào, còn kém xa con số tăng trưởng nhập khẩu từ Thái Lan nói trên.

Trong tháng 8, nhiều vụ việc gian lận thương mại đường nhập lậu đã bị phát hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. 

Ngày 16/8, tại Phú Yên, cơ quan chức năng đã phát hiện ô tô biển kiểm soát 49H007.92 đang vận chuyển 34 tấn đường cát và xe ô tô biển kiểm soát 37H-014.82 đang vận chuyển 45 tấn đường cát. 

Toàn bộ 79 tấn đường cát vận chuyển trên hai xe ô tô là loại đường được đóng bao loại 50 kg/bao, trên bao bì có in chữ nước ngoài, ghi được sản xuất tại BURIRAM SUGAR FACTORY CO.,LTD có địa chỉ tại 237 Moo 2, Hinlekfai, Khumuang, Buriram 31190, Thailand. 

Ngày 25/8, cơ quan chức năng Ninh Bình phát hiện ô tô mang biển kiểm soát 73C-034.05 đang vận chuyển 20 tấn đường kính (400 bao loại 50kg/bao gồm 260 bao mang nhãn hiệu GOLDEN CANE SUGAR và 140 bao mang nhãn hiệu REFINED SUGAR) do nước ngoài sản xuất, trên bao bì sản phẩm không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định về ghi nhãn hàng hóa. 

Ngày 26/8 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Long An bắt giữ bốn người có liên quan trong đường dây buôn lậu đường cát thu giữ gần 200 tấn đường cát.

Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính, tổng lượng đường nhập lậu từ Campuchia, Lào vào Việt Nam sẽ lên đến 756.300 tấn trong năm 2022.

Theo VSSA,với biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng từ ngày 8/8, lượng đường từ Thái Lan và một số công ty của Lào, Myanmar do không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại nên vẫn sẽ được nhập khẩu trong các tháng cuối năm tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022, và đường nhập lậu cũng vẫn sẽ duy trì mức nhập khẩu đầu năm 2022. 

Đường nhập khẩu theo loại hình sản xuất, xuất khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống lẩn tránh nên vẫn sẽ được nhập khẩu tương đương với mức đã nhập khẩu đầu năm 2022.

Với các nhận định đã nêu, ước tính tổng cung đường cho cả năm 2022 khoảng 2,64 triệu tấn.

Như vậy ước tính tổng cung đường năm 2022 hơn 2,6 triệu tấn lớn hơn tổng cầu trong khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn nên cân đối cung cầu đường sẽ là thừa cung cho cả năm 2022, chưa kể lượng đường nhạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO 113.400 tấn sẽ được triển khai đấu giá hạn ngạch trong thời gian sắp tới. 

Giá đường tại thị trường Việt Nam dù có tăng vẫn sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung quốc, Indonesia, Philippine). 

Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI kỳ vọng rằng các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng đường cũng như hoạt động sản xuất đường trong nước trong dài hạn, do các hạn chế nhập khẩu đường của Thái Lan và sự thiếu hụt nguồn cung ở Việt Nam. 

Đơn vị phân tích này dự báo giá đường nhập khẩu sẽ tăng lên 22.000 đồng/kg sau khi được tính thuế đầy đủ. Do đó, giá đường trong nước sẽ tăng tương đương với giá đường nhập khẩu do nguồn cung trong nước thiếu hụt trong thời gian tới. Dự phóng giá đường trong nước sẽ tăng lên mức 19.000- 20.000 đồng/kg vào cuối năm 2022, tăng 10% so với giá đường trong tháng 8.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục