Giá gạo xuất khẩu lập đỉnh vì sao doanh nghiệp "chỗ này" lãi lớn, "chỗ kia" lại lỗ sâu?

06/11/2023 10:11 GMT+7
Dù xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá gạo, tuy nhiên điều khiến nhiều người ngạc nhiên là phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong quý III/2023 lại đạt kết quả kinh doanh không mấy tươi đẹp, thậm chí có "ông lớn" còn ghi nhận kết quả lỗ sâu.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 10 của Việt Nam đạt 700.000 tấn, tương ứng 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022.

Tính chung 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm kể từ ít nhất năm 2009.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất.

Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được bán với giá 643 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 79 USD/tấn và 80 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 628 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 106 USD/tấn và 140 USD/tấn.

Giá gạo ở đỉnh lịch sử nhưng vì sao "chỗ này" lãi lớn, "chỗ kia" lại lỗ sâu? - Ảnh 1.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Ảnh Báo điện tử Chính phủ

"Ông lớn" Lộc Trời (LTG) lỗ sâu

Dù xuất khẩu tăng cả về số lượng và giá gạo, tuy nhiên điều khiến nhiều người ngạc nhiên là phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong quý III/2023 lại đạt kết quả kinh doanh không mấy tươi đẹp, thậm chí có "ông lớn" còn ghi nhận kết quả lỗ sâu.

Trong số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sa sút phải kể đến "ông lớn" CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG). Trong quý III/2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 4.461 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên giá vốn tăng tới 92% nên lợi nhuận gộp của Lộc Trời giảm hơn 69% về còn 152,2 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm mạnh từ mức 18% cùng kỳ về 3%.

Đóng cửa quý III, Lộc Trời báo lỗ hơn 327 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 63,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, quý II liền trước, Công ty còn báo lãi 426 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Lộc Trời.

Theo giải trình, trong quý III/2023 Lộc Trời có sự biến động về chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá hối đoái nên lợi nhuận sau thuế quý 3 giảm 391 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Lộc Trời ghi nhận doanh thu 10.249 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận gộp lại giảm 33% về còn 949 tỷ đồng. Mảng lương thực – lúa gạo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của LTG với 7.899 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp chỉ khoảng gần 3%. Thuốc bảo vệ thực vật đóng góp 1.755 tỷ đồng vào doanh thu, đưa về khoảng 756,8 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp ở mức 43,1%.

Kết quả, 9 tháng lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời đạt 17,3 tỷ đồng, giảm 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái và còn kém xa chỉ tiêu lợi nhuận 400 tỷ đồng cho năm 2023 đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4 vừa qua.

Một doanh nghiệp ngành gạo khá lớn ở An Giang cũng ghi nhận kết quả đi lùi đó là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HoSE: AGM). Kể từ sau khi cựu Chủ tịch AGM Đỗ Thành Nhân vướng lao lý, Angimex liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi đáng báo động. Trong quý III/2023 ghi nhận doanh thu quý III giảm 68% xuống 663 tỷ đồng, lãi ròng 2,9 tỷ đồng, cải thiện so với con số lỗ 29 tỷ quý III/2022. Tuy nhiên tính chung 9 tháng, doanh nghiệp vẫn lỗ 52 tỷ đồng.

Trung An Rice (TAR) báo lãi gấp 6 lần

Đi ngược lại với các doanh nghiệp kể trên, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice, TAR) trong quý III ghi nhận kết quả khởi sắc. Cụ thể, TAR đã mang về 966 tỷ đồng doanh thu, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, lãi hơn 12 tỷ đồng trong quý III/2023, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng chỉ đạt gần 13 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh, TAR hoàn thành gần 92% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lãi ròng cả năm nay.

Trong quý III, doanh thu Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) tăng vọt 100% lên 7.328 tỷ đồng và lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 265 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm từ 9,7% về 8,5%. 9 tháng, doanh thu 18.665 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận sau thuế 31,6 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2023, Vinafood II cho biết cho Tổng Công ty tiếp tục quản lý tốt và kiên quyết tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát sao tình hình diễn biến thị trường, kịp thời nắm bắt cơ hội và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh nên đã mang lại lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng trong quý III và 31,6 tỷ đồng trong 9 tháng.

Với CTCP Tập đoàn PAN (PAN) trong quý thứ 3 năm 2023 ghi nhận doanh thuần đạt 3.703 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 688 tỷ đồng. Kết quả quý III, PAN báo lãi tăng 36% lên 193 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng Tập đoàn ghi nhận hơn 9.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 456,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 7,6% và 15,3% so với cùng kỳ năm trước.


Vương Toàn Thắng
Cùng chuyên mục