Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thoát đáy tính từ 1,5 năm trở lại

13/09/2021 09:31 GMT+7
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này từ mức thấp nhất trong hơn một năm, nhờ nhu cầu tăng cao sau khi chính phủ tăng cường dự trữ và các nhà buôn ngừng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu tháng 9/2021 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại và đã vượt qua mức “đáy” của gần 1,5 năm trở lại đây, vượt qua ngưỡng 400 USD/tấn. Cụ thể, trong tuần qua, 5% tấm được chào bán trên thị trường thế giới với mức giá từ 403-407 USD/tấn FOB; gạo 25% tấm có giá 373-377 USD/tấn.

Theo một thương nhân có trụ sở tại TP HCM, vụ hè thu sắp kết thúc, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước bắt đầu tăng. "Chính phủ cũng đang mua gạo để dự trữ quốc gia sau khi trao gạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa", thương nhân này cho biết.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thoát đáy tính từ 1,5 năm trở lại - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam phục hồi từ đáy tính từ 1,5 năm trở lại

Các thương nhân cho biết chính phủ đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển gạo ở miền Nam sau nhiều tuần hạn chế di chuyển nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, giá gạo đồ 5% tấm không đổi trong tuần trước ở 385 - 363 USD/ounce.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, Andhra Pradesh cho biết nhiều người mua cần bổ sung hàng dự trữ nhưng họ đang trì hoãn việc mua hàng vì cho rằng giá cước vận chuyển tăng cao ở thời điểm hiện tại có thể giảm sau một thời gian.

Tại quốc gia láng giềng Bangladesh, giá gạo nội địa giảm nhẹ sau khi chính phủ cho phép các nhà nhập khẩu tư nhân nhập khẩu khoảng 1,7 triệu tấn.

"Ngoài nhập khẩu tư nhân, gạo cũng đang được nhập khẩu thông qua các cuộc đấu thầu quốc tế. Chúng tôi rất hy vọng rằng giá sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới", ông Mosammat Nazmanara Khanum, Thư ký Bộ Lương thực, cho hay.

Theo một thương nhân có trụ sở tại Dhaka, các công ty chủ yếu mua gạo từ Ấn Độ thông bằng đường bộ.

Trong khi giá gạo 5% tại Thái Lan cũng ít thay đổi trong tuần trước, đạt 380 - 402 USD/tấn.

Các thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết nhu cầu không hề giảm và tình trạng khan hiếm tàu cập cảng Thái Lan vẫn là một thách thức đối với ngành xuất khẩu nước này.

"Chi phí vận chuyển cao hơn có thể khiến người mua chuyển hướng tới gạo Việt Nam", một thương nhân cho biết.

Thông tin từ VFA cũng cho biết, thông cáo của Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp (MAFF) Nhật Bản, nước này tổ chức đấu thầu mua và bán đồng thời (SBS) vào ngày 24.9.2021 nhằm mua khoảng 25.000 tấn gạo. Buổi đấu thầu sẽ được diễn ra vào lúc 11 giờ và 12 giờ trưa theo giờ Nhật Bản. Đây là gói thầu nhập khẩu SBS đầu tiên do Nhật Bản phát hành trong năm tài chính 2021 (4.2021-3.2022), tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo trong đó có Việt Nam.

Tiêu thụ lúa tại đồng bằng sông Cửu Long cũng khả quan hơn so với trước. Cụ thể, tại An Giang, lúa vỏ tươi 3 tháng rưỡi hiện có giá 4.200-4.300 đồng/kg; lúa OM 5451 tươi ở mức 5.000-5.200 đồng/kg; lúa OM 18 tươi có giá 5.500-5.600 đồng/kg; lúa OM 6976 tươi giá 5.000-5.200 đồng/kg; lúa Nếp Long An tươi ở mức 4.400-4.500 đồng/kg; lúa IR 50404 có giá 4.700-4.900 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 có giá 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 có giá 6.000-6.100 đồng/kg; lúa Nhật có giá 6.900-7.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen khô có giá 11.500-12.000 đồng/kg…

Tuy nhiên, các thương nhân cũng cho biết, việc chế biến, xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn dù nhu cầu của thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu (EU) tăng để đáp ứng nhu cầu cho dịp Noel và năm mới, nhưng hiện tại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp thiếu nhân lực lao động, chuỗi logistics chưa được cải thiện đáng kể.


An Vũ
Cùng chuyên mục