Giá nông sản hôm nay 12/9: Giá tiêu đứng vững trên mốc 80.000 đồng/kg

12/09/2021 08:06 GMT+7
Giá nông sản hôm nay ghi nhận, giá cà phê trong tuần qua giảm 500 - 600 đồng/kg; ở chiều ngược lại, hồ tiêu liên tục tăng giá, hiện đã đạt mốc 80.000 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay: Giảm 500-600 đồng/kg 

Tuần qua, giá cà phê tại thị trường trong nước giảm từ 500 - 600 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay ghi nhận, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 38.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 39.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 39.400 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 39.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 39.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.300 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.300 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Tổng hợp tuần, giá cà phê giảm 500 - 600 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay 12/9: Giá tiêu đứng vững trên mốc 80.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Tuần qua, giá cà phê tại thị trường trong nước giảm từ 500 - 600 đồng/kg.

Việc các công ty tại Anh chuyển sang làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội đã làm tăng doanh số bán cà phê mang về trong năm qua, trang Express đưa tin.

Theo đó, trong năm tính đến ngày 12/6, doanh số đã tăng 9,8% lên hơn 1,5 tỷ bảng Anh, tăng 136 triệu bảng so với năm ngoái. Giá trị thị trường của cà phê là 1,533 triệu bảng Anh, gấp hơn hai lần so với giá trà.

Tuy nhiên, Tạp chí Thương mại The Grocer cảnh báo, tình trạng thời tiết xấu ở Brazil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, là yếu tố đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất theo ghi nhận trong 7 năm qua.

Chi phí nguyên liệu thô và vận chuyển đang tăng cao bên cạnh các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Colombia đã làm gián đoạn các chuyến hàng. Song song đó, các quốc gia tại Đông Nam Á đang gặp phải tình trạng thiếu container vận chuyển.

Ông Carlos Mera, Chuyên viên Phân tích hàng hóa cao cấp tại Rabobank, cho biết: “Thị trường đang gặp phải thách thức lớn. Khi giá của hạt cà phê cao tới 50% giá cuối cùng thì các công ty sẽ phải tăng giá và người tiêu dùng sẽ chi trả nhiều tiền hơn cho ly cà phê của mình”.

Bà Hannah Morris đến từ Jacobs Douwe Egberts, cho biết: “Trong lịch sử, những biến động đáng kể về giá cà phê nhân đã được phản ánh trên thị trường. Chúng tôi kỳ vọng điều đó sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới”.

Giá tiêu hôm nay: Đạt mốc 80.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giữ đà đi ngang, giao dịch ở mức từ 76.000 - 80.000 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (77.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (78.000 đ/kg); Bình Phước (79.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đ/kg.

Theo KT&ĐT, có thể thấy, mới qua 1/3 thời gian tháng 9/2021 nhưng thị trường trong nước đã sôi động hơn rất nhiều so với cuối tháng 8/2021. Đầu tháng 9, trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, thị trường điều chỉnh giảm khi các đại lý, công ty xuất khẩu ghìm giá thu mua.

Bước vào tuần này, giá tiêu tăng liên tiếp 4 ngày, không những lấy lại những gì đã mất từ đợt giảm trước mà còn đưa giá cán cột mốc quan trọng - 80.000 đồng/kg. Đây không phải mức giá chỉ được ghi nhận tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mà một số đại lý khu vực Tây Nguyên cũng đã trả cho người dân.

Về diễn biến giá tiêu thời gian cuối tháng 9/2021, nhiều chuyên gia nghiêng về nhận định tiếp tục tăng nhẹ, bởi sắp qua mốc 15/9, các tỉnh thành phía Nam tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, qua đó tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông, xuất khẩu hồ tiêu.

Vừa qua tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương, đưa sản phẩm gia vị, hương liệu Việt Nam ra thế giới.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài khẳng định, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới.

Trên thế giới, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ lớn nhất về gia vị, tiếp theo là Bắc Mỹ, Đông Á và một số nước Nam Á, Trung Đông...

Ông Lê Hoàng Tài cho biết: “Trong EU, Đức là nước tiêu thụ hàng đầu gia vị và thảo mộc, tiếp theo là vương quốc Anh”.

Ở các thị trường này, nhiều năm qua, do nhận thức của người tiêu dùng tăng về phong cách sống có lợi cho sức khỏe nên đã thịnh hành xu hướng tiêu dùng gia vị, hương liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và được nuôi trồng canh tác theo lối hữu cơ, thay thế cho đường, muối và các sản phẩm nhân tạo.

Các chuyên gia cho rằng, sau khi Việt Nam kiểm soát tình hình dịch Covid-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến, đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tham gia thị trường này.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia vị, hương liệu ra thế giới.


PV
Cùng chuyên mục