Masan MEATLife tái cấu trúc mảng thức ăn chăn nuôi, huy động gần 7.300 trái phiếu
Đây là nội dung đáng chú ý trong phiếu lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch tái cấu trúc công ty mà CTCP Masan Meatlife (Mã CK: MML) vừa công bố.
Theo đó, MML sẽ tác mảng thức ăn chăn nuôi, để chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thị trường thịt để phát triển thương hiệu.
Theo tìm hiểu, Masan MEATLife khởi nguồn là công ty thuần sản xuất thức ăn chăn nuôi. Hiện DN này có 13 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tổng công suất cuối năm 2020 đạt 3,3 triệu tấn/ năm, các công ty thức ăn chăn nuôi thuộc Masan Meatlife như Anco, Proconco và thương hiệu thức ăn chăn nuôi Bio – Zeem.
Cụ thể, mảng này đóng góp 8.164 tỷ đồng doanh thu, đóng góp 79% doanh thu tăng 33 %. Trong năm 2020 mảng thức ăn chăn nuôi ghi nhận 13.746 tỷ đồng, đóng góp tới 85% doanh thu. Theo kế hoạch các thương hiệu thức ăn chăn nuôi sẽ tổ chức lại hệ thống phân phối, điều chuyển về cho nhà máy, việc điều chỉnh này sẽ làm đơn giản hóa hệ thống phân phối, để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược phù hợp với mảng kinh doanh này hơn.
Hiện công ty đang trong quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp sản xuất thịt và thịt chế biến có thương hiệu và đã xây dựng được chuỗi giá trị tích hợp ngành thịt gồm thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thịt và hệ thống trang trại (feed – farm – food).
Nửa đầu năm nay, doanh thu mảng kinh doanh thịt tăng trưởng hai chữ số, chủ yếu dựa vào doanh thu mảng thịt tích hợp (thịt heo) tăng trưởng 36,3%.
Tính đến ngày 30/6, thương hiệu MEATDeli đã có hơn 2.700 điểm bán, hiện diện tại hơn 2.300 cửa hàng thuộc hệ thống VinCommerce. Việc tách mảng thức ăn chăn nuôi để phù hợp với tầm nhìn trở thành nền tảng kinh doanh chuyên về hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Đến năm 2025, mục tiêu doanh thu mảng thịt đạt 35.000 tỷ đến 45.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% thị phần toàn quốc, với đóng góp doanh thu cân bằng giữa thịt mát và thịt chế biến. Biên lợi nhuận gộp mục tiêu 30 - 35% và biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay (EBIT) là 20 - 25%.
Để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc này, MML muốn thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động 7.283,9 tỉ đồng. Đối tượng phát hành là các cổ đông được xác định theo danh sách cổ đông chốt ngày 31/8/2021 và đáp ứng đủ điều kiện là “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Số trái phiếu này sẽ có kỳ hạn 3 năm, loại hình không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Đáng chú ý, lãi suất của các lô trái phiếu này chỉ ở mức 2%/năm, thanh toán một lần khi đáo hạn. Số tiền thu về sẽ được MML sử dụng để cơ cấu lại nguồn vốn và/hoặc để tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.
MML cho biết, công ty có thể chuyển quyền sở hữu 99,9% vốn điều lệ của MNS Feed cho các chủ sở hữu trái phiếu với giá 10.000 đồng/cp để thanh toán cho một phần hoặc toàn bộ trái phiếu. Nếu bất kỳ trái phiếu nào được thanh toán bằng cổ phần của MNS, tất cả lãi liên quan đến trái phiếu đó sẽ bị huỷ bỏ.
Được biết, MNS Feed là đơn vị sở hữu 75,15% cổ phần Proconco và 99,99% cổ phần Anco – các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi của MML.
Có thể thấy việc tái cấu trúc MML nằm trong chiến lược đã được Ông Danny Le – Tổng giám đốc Tập đoàn Masan công bố tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2021.
Theo đó, Masan sẵn sàng hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Tập đoàn này đã liên tục hợp tác cũng nhiều đối tác trong và ngoài nước như SK Group, nhóm các nhà đầu tư trong đó có tập đoàn Alibaba, chuỗi trà và café Phúc Long.