Giá hạt tiêu bất ngờ tăng vọt, vì sao?
Giá tiêu hôm nay 7/11: Giá tiêu đảo chiều tăng 1.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 7/11 bất ngờ điều chỉnh tăng tại các vùng trồng trọng điểm. Cụ thể, tại Gia Lai giá tiêu hôm nay được thương lái thu mua ở mức 56.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay duy trì ở mức 58.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu cũng điều chỉnh tăng. Tại Đồng Nai, Bình Phước giá tiêu ở mức 59.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Tại Vũng Tàu, giá tiêu mới nhất hôm nay dao động quanh mốc 60.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Lampung ổn định ở mức 3.645 USD/tấn; tiêu đen Brazil ASTA 570 còn 2.575 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia ở mức 5.899 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu duy trì ổn định tại các quốc gia còn lại. Cụ thể, tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.600 USD/tấn, không đổi. Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi. Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi.
Tại Việt Nam, giá tiêu đen có mức 3.250 - 3.350 USD/tấn với loại 500 g/l và 550g/l; giá tiêu trắng 4.850 USD/tấn.
Như vậy, sau chuỗi 7 ngày im ắng không phản ứng, giá tiêu trong nước hôm nay bất ngờ tăng từ 500-1.000 đồng/kg tại các địa phương. Tổng kết tuần qua, giá tiêu tăng 500 - 1.000 đồng/kg trong khi tuần trước, giá tiêu giảm 500 - 1.000 đồng/kg.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, thị trường tuần qua phản ứng trái chiều, chỉ có giá tiêu xuất khẩu Việt Nam ghi nhận sự gia tăng.
Theo đó, sau 2 tuần ổn định, giá tiêu Ấn Độ giảm còn giá tiêu nội địa Sri Lanka tiếp tục ổn định. Ở Đông Nam Á, giá tiêu Indonesia cũng giảm do đồng Rupiah Indonesia giảm 1% so với USD (15.662 IDR/USD) giữa bối cảnh ít người quan tâm đến việc trồng tiêu vì chi phí sản xuất cao hơn và ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá tiêu nội địa Malaysia cũng tiếp tục giảm. Trong khi đó, giá tiêu Malaysia giao dịch trên thị trường quốc tế tiếp tục ổn định và không thay đổi.
Chỉ có giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế tăng 100 USD/tấn. Trong khi đó, các loại khác ổn định và không thay đổi.
Giá tiêu tăng bởi thị trường xuất hiện tín hiệu thông tin lạc quan về việc Trung Quốc tăng nhập khẩu tiêu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm. Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.
Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi, trong khi nông dân và đại lý nhỏ có xu hướng giữ hàng với dự đoán mức giá cao hơn.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 8/2022 đạt 2,65 triệu USD, giảm 34,6% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 30,12 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu nguồn cung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu chủ yếu từ các thị trường như: Indonesia, Việt Nam, Brazil, Ý, Malaysia, Ấn Độ.
Tháng 8/2022, Việt Nam trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 1,15 triệu USD, giảm 31,9% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 9,47 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 28,15% trong 8 tháng đầu năm 2021 lên 31,46% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tháng 8/2022, Indonesia trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc, kim ngạch đạt 895 nghìn USD, giảm 48,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, Indonesia vẫn là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 14,64 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,32% trong 8 tháng đầu năm 2021 xuống 48,6% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Giá hạt tiêu chỉ có thể tăng mạnh nếu như thị trường Trung Quốc mua trở lại
Thông tin từ Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, nguồn cung hạt tiêu khá dồi dào, nhu cầu nhập khẩu thấp. Hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại, song nhu cầu đi lại của người dân vẫn khá hạn chế. Nguồn hàng được khách hàng sử dụng chủ yếu là hàng đã ký từ 3 - 4 tháng trước. Giá hạt tiêu của ta chỉ có thể tăng mạnh nếu như thị trường Trung Quốc mua trở lại cuối năm.
Dự báo mới nhất vẫn cho thấy, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng giảm trong thời gian tới. Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch rộ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp. Mặc dù vậy, thị trường vẫn xuất hiện tín hiệu lạc quan khi Trung Quốc tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cuối năm.
Áp lực nguồn cung tăng lên vào đầu vụ mới và nguồn dự trữ khá dồi dào đang gây sức ép lên thị trường hạt tiêu trong nước. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khiến người trồng đẩy mạnh bán ra. Quý III/2022, giá hạt tiêu đen trong nước biến động theo xu hướng giảm. Sang tháng 10/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm nay. Ngày 28/10/2022, giá hạt tiêu đen giảm từ 6.500 – 7.000 đồng/kg so với ngày 29/9/2022, xuống mức 56.500 – 59.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 51,57 nghìn tấn, trị giá 213 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 31,8% về trị giá so với quý II/2022, so với quý III/2021 giảm 12,5% về lượng và giảm 4,2% về trị giá. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ vẫn đối mặt với khó khăn trong thời gian tới. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống, lạm phát tăng cao dẫn tới việc thắt chặt chi tiêu của người dân ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng không thực sự thiết yếu giảm. Giá hạt tiêu sẽ biến động theo xu hướng giảm khi mà suy thoái kinh tế thế giới được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ Châu Đại Dương. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ khu vực châu Mỹ và châu Đại Dương. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các khu vực châu Mỹ và châu Phi tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan; Ngược lại, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Ai Len, Trung Quốc tăng. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Ai Len, Anh, Thái Lan, Nga tăng; Trong khi xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Đức giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Trung Quốc.
Quý III/2022 so với quý II/2022, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng nhẹ. So với quý III/2021, trị giá xuất khẩu hạt tiêu đen xay và hạt tiêu trắng xay tăng mạnh, trong khi xuất khẩu hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ hạt tiêu đen.
Về cơ bản, những yếu tố tác động đến thị trường hạt tiêu trong thời gian qua gồm có xung đột Nga-Ukraine, lạm phát tăng cao tại nhiều nước trên thế giới, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác.
Những yếu tố này vẫn sẽ là trở ngại chính đối với ngành hạt tiêu Việt Nam trong những tháng cuối năm nay. Thêm vào đó, việc các đại lý đẩy mạnh bán tiêu để chuyển dòng vốn kinh doanh cà phê khi vụ cà phê đang đến gần cũng gây thêm áp lực giảm giá lên mặt hàng này.
5 thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam là bao nhiêu?
7 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường có dung lượng lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá tăng. Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm nay, thị trường hạt tiêu toàn cầu được dự báo sẽ gặp khó khăn do người dân thắt chặt chi tiêu. Giá có xu hướng giảm, bất chấp thông tin về sản lượng hạt tiêu giảm.
Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt tiêu từ thế giới trong 7 tháng đầu năm nay đạt 282,75 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam đạt 205,64 triệu USD, tăng 59,3%. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 63,81% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 72,73% trong 7 tháng đầu năm 2022.
Mặc dù khu vực châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ căng thẳng địa chính trị, tuy nhiên trị giá nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 2 con số. Đáng chú ý, nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp từ Việt Nam tăng trưởng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung từ thế giới. Điều này cho thấy ngành hạt tiêu Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.