Giá khẩu trang tăng 50 lần, doanh nghiệp Ấn Độ đổ xô xuất sang Trung Quốc
Khi giá khẩu trang y tế tăng vọt vì tình trạng khan hiếm trên toàn cầu, các nhà sản xuất Ấn Độ đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm về lợi nhuận khổng lồ. Và thị trường Trung Quốc - quốc gia đang lao đao vì dịch virus corona bùng phát - chính là đích đến.
Ước tính của Hiệp hội Thiết bị Y tế Ấn Độ cho hay các nhà sản xuất nước này sản xuất khoảng 240 triệu chiếc khẩu trang y tế dùng một lần mỗi năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Thực tế, không có nhà sản xuất khẩu trang y tế quy mô lớn tại Ấn Độ. Các nhà sản xuất đa phần có quy mô vừa với năng lực sản xuất 20.000-100.000 khẩu trang mỗi ngày.
Chi phí sản xuất một chiếc khẩu trang y tế tại Ấn Độ vào khoảng 1 rupee (khoảng 325 VNĐ) và được bán với giá 2-4 rupee tại các cửa hàng bán lẻ thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Nhưng trong tuần này, giá bán khẩu trang y tế đã tăng vọt lên tới 15 rupee/ chiếc. Tại một số khu vực có dân số đông và nhu cầu lớn, mức giá thậm chí bị đẩy lên 50 rupee. Nhưng khoản lợi nhuận này vẫn chưa lớn bằng việc xuất khẩu sang các thị trường Châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc, nơi giá khẩu trang có lúc bị đẩy lên 15 USD tại các cửa hàng bán lẻ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay cho đến nay, nước này đã nhập khẩu 1,2 tỷ chiếc khẩu trang y tế để đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước khi dịch virus corona bùng phát mạnh mẽ. Một số sản phẩm y tế cũng đang trong tình trạng "cung không đủ cầu" là khẩu trang phòng độc N95, nước khử trùng tay chứa cồn…
Ông Manoj Rajawat - giám đốc Công ty Kỹ thuật và Y sinh học Orthosut Ấn Độ ước tính khoảng 90% số khẩu trang y tế sản xuất trong nước vài tuần gần đây đều được xuất khẩu ra nước ngoài, đến các thị trường như Trung Quốc, Malaysia và Singapore. “Giá khẩu trang y tế xuất khẩu có thể cao hơn 50 lần so với thời điểm trước khi dịch virus corona bùng phát” - ông Manoj Rajawat cho hay.
Để giảm bớt nỗi lo thiếu hụt khẩu trang y tế trong nước, chính phủ Ấn Độ hồi đầu tháng đã cấm xuất khẩu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ khi ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, lệnh cấm xuất khẩu đã được dỡ bỏ với các loại khẩu trang y tế hai lớp và ba lớp vì nhu cầu khẩu trang tại nước ngoài tăng vọt.
Sau động thái dỡ bỏ lệnh cấm từ chính phủ, các nhà sản xuất Ấn Độ đã tăng cường năng lực sản xuất theo cấp số nhân nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu quá lớn từ các nhà nhập khẩu nước ngoài. Ông Prasad Danave, chủ tịch Hiệp hội bán lẻ và phân phối vật tư hóa học Ấn Độ cho hay: “Đa số các nhà sản xuất Ấn Độ không được chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu tăng đột ngột như vậy. Một trong những nhà sản xuất trò chuyện với tôi, cho hay năng lực sản xuất khẩu trang bình quân của doanh nghiệp đó là 20.000 chiếc mỗi ngày. Rồi đột nhiên đối tác nhập khẩu đề nghị đặt hàng 2 triệu và 5 triệu chiếc mặt nạ. Không thể đáp ứng số lượng lớn như vậy ngay lập tức”.
Ông Abhay Pandey - chủ tịch Tổ chức cấp phép thuốc và thực phẩm Ấn Độ cảnh báo nhiều nhà cung cấp đang phân phối sản phẩm khẩu trang y tế không đạt chuẩn cho người dùng nội địa do thời gian sản xuất gấp rút cũng như thiếu cơ chế kiểm soát từ chính quyền.
“Có một lớp lọc siêu mỏng nằm giữa khẩu trang ba lớp với chức năng ngăn ngừa vi khuẩn và bụi trong môi trường y tế. Bây giờ, nhiều nhà cung cấp đang phân phối khẩu trang không có lớp lọc này ra thị trường Ấn Độ; trái ngược hoàn toàn với các sản phẩm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu” - ông Pandey cho hay.
Tính đến sáng 21/2, toàn cầu hiện có 76.716 ca nhiễm virus corona và 2.247 ca tử vong được báo cáo. Trong đó, hơn 16.000 trường hợp phục hồi hoàn toàn. Riêng Ấn Độ đã phát hiện 3 ca nhiễm virus corona và đều được điều trị thành công.