Giá lợn hơi khó đoán, thị trường chờ đến Noel để bứt tốc, cứu giá lợn cách nào?
Giá lợn hơi ít biến động, vẫn có địa phương giảm giá
Giá lợn hơi hôm nay 02/12/2022, biến động ở ít tỉnh. Giá lợn toàn quốc lên xuống không nhiều, tại tỉnh Đồng Nai, Bến Tre giảm 1.000 đồng/kg về mức giá 52.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Lâm Đồng nhích nhẹ 1 giá, lên 55.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi biến động không nhiều, nên việc dự đoán cho chiều hướng giá sắp tới rất khó, có thể gần tới Noel tình hình giá lợn mới mới có chuyển biến tích cực hơn.
Ngày 2/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg.
Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 2/12 quay đầu giảm. Giá lợn tại Trung Quốc ngày 2/12 đứng ở mức 79.600 đồng/kg, giảm so với mức 80.200 đồng/kg của ngày 1/12, tăng so với mức 78.800 đồng/kg của ngày 29/11, nhích nhẹ so với mức 78.700 đồng/kg của ngày 28/11; mức giá này giảm so với mức 80.700 đồng/kg ngày 27/11, giảm so với mức 83.200 đồng/kg của ngày 24/11, giảm so với mức 84.400 đồng/kg của ngày 23/11, giảm tiếp so với mức 85.300 đồng/kg của ngày 22/11, giảm so với mức 86.700 đồng/kg của ngày 21/11, giảm so với cuối tuần qua khi đứng ở mức 87.100 đồng/kg, giảm so với mức 87.400 đồng/kg của ngày 17/11, giảm so với mức 89.500 đồng/kg ngày 16/11, giảm so với mức 88.300 đồng/kg của ngày 14/11...
Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi điều chỉnh giảm một giá ở một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm xuống mức 55.000 đồng/kg, ngang với tỉnh Thái Bình. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực. Tương tự, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang đang được giao dịch với giá là 54.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Cùng chung xu hướng giảm giá, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi điều chỉnh giảm nhẹ so với sáng qua và dao động trong khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg. Hiện tại, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Bình Thuận và Đắk Lắk đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 50.000 đồng/kg và 51.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực, không ghi nhận sự biến động về giá và đang được giao dịch với giá ổn định trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi ghi nhận giảm 1.000 đồng/kg rải rác một vài nơi và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Đồng Nai và Tây Ninh cùng xuống mức 53.000 đồng/kg. Hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tiếp tục giao dịch lợn hơi lần lượt với giá thấp nhất và cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại vẫn duy trì giá thu mua đi ngang.
Bàn cách cứu giá thịt lợn...
Lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương cho rằng, với tình hình hiện nay giá lợn đầu ra thấp trong khi chi phí chăn nuôi vẫn cao, khiến người chăn nuôi lợn rất khó khăn. Vì vậy, cần sớm có giải pháp cho vấn đề này.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: Giá lợn đạt chuẩn khoảng 53.000 đồng/kg, trong khi lợn quá lứa chỉ còn 48.000 - 49.000 đồng/kg. Giá đầu ra thấp mà chi phí chăn nuôi vẫn cao, khiến người chăn nuôi rất khó khăn.
Giá lợn đã neo ở mức thấp nhiều tháng trở lại đây, nguyên nhân được cho là do cung nhiều mà cầu thấp; trong khi lượng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn rất lớn.
Số liệu thống kê từ ngành hải quan cho biết trong quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 192.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá gần 418 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 37.350 tấn, trị giá gần 126 triệu USD, tăng gần 165% về lượng và tăng 180% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính chung 11 tháng, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,37 tỉ USD, tăng 5,7%. Với lượng thịt nhập khẩu lớn, rẻ như thế này, thịt nội ngày càng khó khăn.
Nhiều năm gần đây, thị trường Tết thường sôi động trước 1 - 2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến Tết. Nhưng giờ thì người dân cũng ít chuẩn bị Tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Thế nên, với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước Tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước Tết.
Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Hết tháng 11 mà giá lợn không khởi sắc thì trong năm nay khó còn cơ hội phục hồi nữa. Nếu lợn đến lứa, lời khuyên dành cho người chăn nuôi là nên cho xuất chuồng vì neo lại sẽ chịu thiệt hại kép (tốn thêm chi phí duy trì đàn).
Hiện nay, không chỉ có chăn nuôi lợn gặp khó mà cả người chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò) cũng rất căng thẳng về đầu ra và giá thành. Với các vấn đề của hiện tại là đầu ra hạn chế và giá thành chăn nuôi cao, khó khăn của ngành chăn nuôi lợn có thể vẫn còn tiếp tục kéo dài đến năm 2023. Cần có giải pháp cứu ngành chăn nuôi lợn vì ngành này có vốn đầu tư cao và mất nhiều thời gian (1,5 - 2 năm) để tái đàn.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trước hết, nhà nước nên kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu. Đối với hàng chính ngạch, phải kiểm soát các sản phẩm cận date giá rẻ, chất lượng kém, hàng phụ phế phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ và minh bạch về nguồn cung thịt trong nước và cả nhập khẩu để người dân và doanh nghiệp biết và tự cân đối nhằm tránh rơi vào tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.
Việt Nam thuộc Top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 23,3 triệu con, chiếm 70% sản lượng thịt của cả nước. Lợn được nuôi phân bố đồng đều ở các vùng miền. Tuy nhiên, thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 4 năm vừa qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Chủ yếu là mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, không gian chuồng trại đa phần nhỏ hẹp, mật độ nuôi cao, năng suất thấp, khó kiểm soát được chất lượng.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh… thường xuyên gây thiệt hại lớn cho đàn lợn. Dịch Covid-19 kéo dài gây hạn chế về logistics đã khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm từ lợn gặp nhiều biến động. Giá bán lợn thịt có lúc xuống thấp dưới giá thành sản xuất, lúc lại tăng vọt lên cao bất bình thường cũng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo ngành chức năng, ngành chăn nuôi lợn đang được các doanh nghiệp tổ chức lại theo chuỗi liên kết, nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô sản xuất lớn được duy trì, đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, mức độ liên kết vẫn còn lỏng lẻo trong các khâu chăn nuôi, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Điều này ảnh hưởng đến tính ổn định của ngành chăn nuôi.
Được biết, với thị trường Việt Nam, theo một kết quả nghiên cứu về thị trường do Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos công bố, nếu như năm 2018, lượng thịt lợn tiêu thụ bình quân của ta là 31,4 kg/người/năm thì đến năm 2022 đã giảm mạnh xuống còn 23,5 kg/người/năm.
Cũng theo nghiên cứu nói trên, trong những năm qua, lượng tiêu thụ thịt gia cầm bình quân trên đầu người của ta lại tăng đáng kể với mức tăng 8,5%/năm. Cụ thể, năm 2020, lượng tiêu thụ gia cầm bình quân 17 kg/người/năm, thì đến năm 2022 là 20 kg/người/năm. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 8 kg thịt lợn/người/năm đã được thay thế bằng thịt gia cầm và loại thịt, cá khác.
Trong khi đó, sản lượng thịt lợn ở Việt Nam đang tăng mạnh khi các công ty đang bắt đầu tái đàn trở lại khi dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đồng thời có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi.
Nhu cầu giảm trong khi sản lượng tăng, đang khiến cho giá lợn hơi giảm mạnh. Các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi nhận định, giá lợn hơi trong nước vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới và chỉ có thể nhích tăng khi nhu cầu thịt lợn tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với các biện pháp thú y phòng chống dịch bệnh, quản lý biên giới, chăn nuôi an toàn sinh học… và duy trì được tốc độ tăng trưởng của các đàn vật nuôi như từ đầu năm đến nay sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.
Theo nhận định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, với bối cảnh nền kinh tế và các yếu tố cơ bản hiện tại, giá nông sản có thể sẽ đón nhận những đợt rung lắc mạnh trong quý IV này. Hiện tại, các mặt hàng đều đang ở mức cao sau những đợt tăng liên tiếp trong hai năm qua.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới và sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao.
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Với những tín hiệu khả quan của việc phục hồi kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi đang chờ đợi sự bứt phá cho những tháng cuối năm và hồi phục trở lại vào năm sau.