Giá lợn hơi xuất hiện chiều hướng đi xuống, đầu tháng "đượm buồn"
Ghi nhận lượng lợn trên thị trường thừa so với nhu cầu khiến giá lợn khó đứng vững
Giá lợn hơi ngày 01/12/2022, xuất hiện chiều hướng đi xuống. Lượng lợn thị trường đang ghi nhận thừa so với nhu cầu khiến giá lợn khó đứng vững, ngày 1/12 đã xuất hiện nhiều nơi rớt giá từ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Nai. Các tỉnh còn lại đứng giá với mức giá dao động trong khoảng từ 51.000-55.000 đồng/kg. Thị trường vẫn tiếp tục chờ đợi tin tốt cho tuần sau.
Ngày 1/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg.
Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 1/12 tiếp tục tăng sau nhiều ngày nay liên tục giảm. Giá lợn tại Trung Quốc ngày 1/12 đứng ở mức 80.200 đồng/kg, tăng so với mức 78.800 đồng/kg của ngày 29/11, nhích nhẹ so với mức 78.700 đồng/kg của ngày 28/11; mức giá này giảm so với mức 80.700 đồng/kg ngày 27/11, giảm so với mức 83.200 đồng/kg của ngày 24/11, giảm so với mức 84.400 đồng/kg của ngày 23/11, giảm tiếp so với mức 85.300 đồng/kg của ngày 22/11, giảm so với mức 86.700 đồng/kg của ngày 21/11, giảm so với cuối tuần qua khi đứng ở mức 87.100 đồng/kg, giảm so với mức 87.400 đồng/kg của ngày 17/11, giảm so với mức 89.500 đồng/kg ngày 16/11, giảm so với mức 88.300 đồng/kg của ngày 14/11...
Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi không ghi nhận biến động mới và duy trì trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg. Theo đó, Hưng Yên ghi nhận mức giá lợn hơi 56.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các địa phương bao gồm Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình tiếp tục được thu mua với giá 52.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Cao hơn 1.000 đồng/kg, ở mức 53.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại TP.Hà Nội. Thương lái tại các địa phương còn lại giao dịch trong khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng không ghi nhận sự biến động nhiều so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại tỉnh Bình Thuận giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg lợn hơi - thấp nhất khu vực. Còn tại các địa phương bao gồm Thanh Hóa, Quảng Ngãi và Đắk Lắk giá thu mua lợn hơi cùng mức 52.000 đồng/kg. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa giá lợn hơi ghi nhận đứng ở mức 54.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Tại các địa phương khác, giá thu mua dao động từ 53.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng và duy trì trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục ghi nhận mức giao dịch cao nhất khu vực với 55.000 đồng/kg. Thấp hơn 1.000 đồng/kg, ở mức 54.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại Đồng Nai, Tây Ninh, Hậu Giang và Trà Vinh. Mức giá thấp nhất tiếp tục được ghi nhận tại tỉnh Kiên Giang là 51.000 đồng/kg. Tại các địa phương còn lại, lợn hơi được thu mua với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Số lượng hộ chăn nuôi đang giảm...
Trong khi giá lợn hơi trong nước thấp thì giá lợn hơi tại Trung Quốc tiếp tục leo thang. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) về thị trường Trung Quốc, sản lượng lợn năm 2023 của nước này dự kiến đạt 675 triệu con. Sự sụt giảm của giá lợn và thịt lợn trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi lớn có vốn đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn vẫn duy trì sản lượng ngay cả khi lỗ ngày càng gia tăng, dự kiến Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu sản xuất thịt lợn vào năm 2023 để duy trì thị phần. Các nhà sản xuất quy mô nhỏ dự kiến sẽ mở rộng sản xuất vào năm 2023 với giá lợn hơi và thịt lợn ổn định.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, Trung Quốc nhập khẩu 140 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), với trị giá 318,57 triệu USD, tăng 16,7% về lượng và tăng 22,2% về trị giá so với tháng 7/2022; Tuy nhiên so với 8/2021 giảm 50% về lượng và giảm 58,1% về trị giá. Tính chung 8 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,07 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,19 tỷ USD, giảm 63,5% về lượng và giảm 73,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 8 tháng năm 2022, chiếm 29,3% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 643,43 triệu USD, giảm 75,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt kể từ cuối tháng 8/2022 đến nay, khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh vào thị trường để đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt lợn tại Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá thịt lợn.
Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, trong tháng 9/2022 Trung Quốc đưa ra thị trường khoảng 200.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ để duy trì nguồn cung và ổn định giá. NDRC cho biết Trung Quốc có đủ dự trữ thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trên thị trường và sẽ xả kho dự trữ từng đợt cũng như sẽ tăng số lượng xả kho nếu cần thiết. Thịt lợn là một mặt hàng chủ lực ở Trung Quốc và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các loại thực phẩm được sử dụng để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng của nước này.
Với Việt Nam, nước ta thuộc Top 10 nước đứng đầu về quy mô chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 23,3 triệu con, chiếm 70% sản lượng thịt của cả nước. Lợn được nuôi phân bố đồng đều ở các vùng miền. Tuy nhiên, thông tin từ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong 4 năm vừa qua số lượng hộ chăn nuôi đã giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Chủ yếu là mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, mức đầu tư thấp, không gian chuồng trại đa phần nhỏ hẹp, mật độ nuôi cao, năng suất thấp, khó kiểm soát được chất lượng.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh… thường xuyên gây thiệt hại lớn cho đàn lợn. Dịch Covid-19 kéo dài gây hạn chế về logistics đã khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm từ lợn gặp nhiều biến động. Giá bán lợn thịt có lúc xuống thấp dưới giá thành sản xuất, lúc lại tăng vọt lên cao bất bình thường cũng gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo ngành chức năng, ngành chăn nuôi lợn đang được các doanh nghiệp tổ chức lại theo chuỗi liên kết, nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô sản xuất lớn được duy trì, đạt hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, mức độ liên kết vẫn còn lỏng lẻo trong các khâu chăn nuôi, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Điều này ảnh hưởng đến tính ổn định của ngành chăn nuôi.
Theo báo cáo từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 11/2022, giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 51.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Trong tháng 9/2022, giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 54.000-69.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi vẫn tiếp tục đà giảm. Trong những ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp tục giảm thấp và diễn biến khá trầm lắng.
Cách đây mấy tháng, khi giá lợn hơi lên mốc 70.000 đồng/kg, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, siết chặt việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, sau đó giá lợn hơi giảm mạnh.
Về lo ngại nếu để xuất khẩu dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu hụt có thể đẩy giá lợn hơi tăng mạnh, từ đó tác động tới chỉ số lạm phát, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá lợn hơi thấp chứng tỏ cung vượt cầu, nếu giá ở trên giá thành sản xuất thì lúc đó mới thiếu hụt nguồn cung.
Do vậy, hiệp hội này gợi ý nhà nước cần cân đối tỷ lệ lợn hơi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ trong nước, làm sao để giá lợn hơi bán ra trên giá thành, gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng cho rằng, giá lợn hơi hiện nay khá thấp trong khi giá thành sản xuất thấp nhất cũng 54.000 - 55.000 đồng/kg (đối với doanh nghiệp). Hiện nay giá lợn đều giảm mạnh trên toàn quốc. Giá lợn hơi giảm chỉ còn quanh mốc 55.000 đồng/kg, trong khi với tình hình hiện nay phải trên 55.000 đồng/kg, hộ chăn nuôi mới không lỗ. Lỗ nhiều hay lỗ ít tùy theo quy mô, theo từng trại và tùy theo việc nhập giống của mỗi hộ chăn nuôi.
Nguồn cung hiện tương đối dồi dào, thị trường tiêu thụ cực kỳ ảm đạm, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá lợn hơi bình quân của Trung Quốc hiện hơn 80.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam gần 30.000 đồng/kg; giá lợn hơi Thái Lan cũng gần 80.000 đồng/kg, cao hơn Việt Nam hơn 20.000 đồng/kg. Do đó, nên xem xét cho xuất lợn qua các thị trường này để cải thiện giá lợn hơi trong nước. Từ nay đến cuối năm nếu không có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, thì giá lợn có thể càng giảm, người nuôi chịu nhiều áp lực...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mới đây đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phản ánh liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt lợn, triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm dịp Tết.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.