Giá lợn hơi ngày 16/8, thị trường chờ tín hiệu tốt
Giá lợn hơi hôm nay 16/08/2022, chờ tín hiệu tốt
Tính đến thời điểm chiều nay, giá lợn hơi trên toàn quốc đứng giá, riêng miền Tây có 2 tỉnh tăng thêm 2.000 đồng/kg là Cần Thơ và Bến Tre, mức giá đạt 65.00-66.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 69.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 65.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay giảm nhẹ đứng ở mức 72.300 đồng/kg.
Giá lợn thị trường 1 tháng nay có nhiều biến động, người chăn nuôi không khỏi thấp thỏm mỗi ngày đợi giá mới.
Trước đó, giá lợn hơi sáng nay 16/8 tăng nhẹ tại khu vực miền Bắc, biến động trái chiều tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng tại một vài tỉnh thành và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg.
Cụ thể, cùng tăng 1.000 đồng/kg, tại Hưng Yên và Hà Nội giá lợn hơi hôm nay được thương lái thu mua ở mức 71.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Tương tự, cùng tăng 2.000 đồng/kg, tại Phú Thọ và Bắc Giang giá lợn hơi lần lượt điều chỉnh giao dịch lên mức tương ứng là 69.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nam.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi sáng nay biến động trái chiều 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 66.000 đồng/kg, ngang bằng với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trong khi đó, thương lái tại Quảng Ngãi cũng đang giao dịch lợn hơi với giá 66.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk. Mức giá cao nhất khu vực 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng/giảm từ 1.000 - 4.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, tại Vũng Tàu điều chỉnh giao dịch xuống còn 62.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Tây Ninh và Trà Vinh lần lượt nâng giá thu mua lên 62.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg, tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tương tự, mức giá được ghi nhận tại Đồng Nai và Đồng Tháp sau khi tăng 4.000 đồng/kg lần lượt là 64.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 8 đến nay, giá lợn hơi ba miền không có nhiều biến động mạnh. 10 ngày đầu tháng 8, giá lợn hơi trên toàn quốc dao động 64.000 - 67.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7.
Nguyên nhân là nhu cầu trên thị trường yếu, các trường học vẫn chưa bước vào năm học mới và Chính phủ yêu cầu bình ổn giá thịt lợn.
Theo đó, trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu theo dõi sát diễn biến, tình hình giá thịt lợn; thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Điều này giúp bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, đồng thời không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo thời gian tới giá lợn hơi sẽ quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg. Vào cuối năm, giá lợn hơi có thể nhích lên một chút do nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng và giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Để hạ giá thành chăn nuôi, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước, chí phí thấp hơn, kiểm soát phòng chống dịch tả heo châu Phi tốt. Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, tăng nguồn thịt nhập khẩu chất lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).
Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 có thể giảm 10%, chủ yếu do Trung Quốc
Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt mức 110,7 triệu tấn, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 do sự điều chỉnh tăng ở Trung Quốc bù lại sự sụt giảm ở EU và Brazil.
Cụ thể, sản lượng ở Trung Quốc tăng gần 2%, lên 51,8 triệu tấn nhưng vẫn thấp hơn mức trước dịch tả lợn châu Phi. Trong khi, sản lượng của EU và Brazil được điều chỉnh giảm 2%, xuống lần lượt là 22,6 triệu tấn và 4,3 triệu tấn do xuất khẩu chậm lại, gây áp lực lên giá.
Tuy nhiên, USDA dự báo xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2022 có thể giảm gần 10% so với năm 2021, xuống còn 10,6 triệu tấn chủ yếu do nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc đã ổn định, nhu cầu nhập khẩu thấp.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nguồn cung lợn hơi trong các tháng cuối năm 2022 được đảm bảo và giá cả sẽ không tăng mạnh.
Giá lợn tại Trung Quốc liên tục giảm trong mấy tuần gần đây nhưng Cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn đang cân nhắc xả kho dự trữ thịt lợn để hạ tiếp giá thịt lợn.
Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 643 nghìn tấn thịt, tương đương hơn 3 tỷ USD, giảm 25% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá so với tháng 7/2021.
Lũy kế 7 tháng, Trung Quốc nhập khẩu 4,1 triệu tấn thịt, tương đương 17 tỷ USD, giảm 31% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dù vậy, USDA cho rằng Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới, chiếm 20% trong tổng lượng xuất khẩu toàn cầu.
Tương tự, nhập khẩu thịt lợn của Hồng Kông cũng được điều chỉnh giảm 21% xuống còn 275 nghìn tấn do nhập khẩu lợn sống từ Trung Quốc tăng thúc đẩy sản xuất nội địa.
Nhu cầu của Trung Quốc giảm mạnh khiến các nhà xuất khẩu lớn như EU, Brazil và Mỹ phải tìm kiếm thị trường mới để bù đắp lượng xuất khẩu thịt bị giảm sút.
Từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ tăng mạnh. Ngày 08/8/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 122 UScent/lb, tăng 1,1% so với cuối tháng 7/2022 và tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thịt lợn tăng do sức mua khởi sắc. Sản lượng lợn giết mổ của Hoa Kỳ đang ở gần mức thấp nhất trong năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ cả thịt bò và thịt lợn đều tăng mạnh. Nguồn cung lợn hơi thắt chặt cũng đang hỗ trợ giá giao ngay và giá kỳ hạn. Nhu cầu thịt lợn tăng do giá thịt bò đắt hơn. Tuy nhiên, số lượng lợn giết mổ có thể sẽ bắt đầu tăng cao hơn vào giữa tháng 8/2022.