Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc khó phanh

27/07/2022 18:28 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 27/7 tiếp tục xu hướng giảm, gần như "tụt dốc khó phanh" tại một số địa phương trên cả nước.

Giá lợn hơi hôm nay 27/7: Giảm tiếp từ 1.000 – 3.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi hôm nay 27/07/2022, một số tỉnh tiếp tục giảm. Giá lợn hơi cả 3 miền Bắc- Trung- Nam đều giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg, mức giá toàn quốc dao động trong khoảng 63.000-70.000 đồng/kg.

Giá lợn CP hôm nay cũng giảm 1.000 đồng/kg, thị trường bắt đầu hạ nhiệt rõ rệt. Giá lợn hơi CP miền Bắc cao nhất là 71.000 đồng/kg; giá lợn CP tại miền Trung, miền Đông, miền Tây chỉ còn đứng ở mức 69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi Trung Quốc cũng giảm gần 3 giá đứng ở mức 74.200 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc khó phanh - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 27/7: Giảm tiếp từ 1.000 – 3.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc khó phanh - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 27/7: Giảm tiếp từ 1.000 – 3.000 đồng/kg.

Cụ thể: Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 66.000 - 70.000 đồng/kg.

Cụ thể, tỉnh Hưng Yên điều chỉnh giao dịch giảm 1.000 đồng/kg xuống mốc 70.000 đồng/kg, ngang bằng với hai tỉnh Bắc Giang và Thái Bình. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận thay đổi mới về giá trong ngày hôm nay. Trong đó, mức giá thấp nhất 66.000 đồng/kg được ghi nhận tại Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ. Các địa phương khác không thay đổi về giá và dao động trong khoảng 67.000 – 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh giảm rải rác một vài nơi và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo đó, cùng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, thương lái tại Lâm Đồng và Bình Thuận thu mua lợn hơi với giá tương ứng là 69.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Mức giá 70.000 đồng/kg cũng được ghi nhận tại Quảng Ngãi. Tương tự, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, tỉnh Đắk Lắk hiện đang thu mua lợn hơi với giá 65.000 đồng/kg. Các địa phương khác, giá lợn hơi hôm nay không đổi và dao động trong khoảng 66.000 – 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 63.000 - 69.000 đồng/kg. Trong đó, Vũng Tàu điều chỉnh giao dịch xuống mức mạnh nhất khu vực, giá hiện là 66.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Bình Dương và Đồng Nai lần lượt giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg xuống còn 65.000 - 69.000 đồng/kg. Mức giá được ghi nhận tại Cần Thơ, Hậu Giang và Tây Ninh sau khi giảm 3.000 đồng/kg lần lượt là 64.000 đồng/kg, 65.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg. Kiên Giang có mức giá lợn hơi thấp nhất là 63.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về giải pháp ổn định nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn, Cục chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương...

Qua đánh giá, Cục Chăn nuôi nhận thấy nguồn cung thịt lợn thiếu cục bộ ở một số nơi. Cục cũng đang đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân trong thời điểm được giá nên vào đàn, tăng quy mô sản xuất, bởi với mức giá này, người chăn nuôi và các trang trại đã bắt đầu có lãi 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Tuy nguồn cung từ nông hộ và các trang trại suy giảm, nhưng lượng thịt lợn từ các doanh nghiệp hiện vẫn được đảm bảo. Do đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, giá thịt lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ chỉ dao động trong khoảng trên dưới 70.000 đồng/kg.

Bình ổn giá lợn cần để người dân yên tâm tái đàn

Mặc dù giá xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng các mặt hàng thực phẩm vẫn chưa giảm giá, đặc biệt từ đầu tháng 7 cho đến nay, mặt hàng thịt lợn vẫn ghi nhận ở mức cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, bình ổn giá thịt lợn là đúng nhưng phải hợp lý để tạo điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm tái đàn.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc khó phanh - Ảnh 3.

Mặc dù giá lợn hơi đã có dấu hiệu chững lại, nhưng giá bán lẻ ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn neo cao.

Thực tế, 6 tháng đầu năm nay giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng từ 15 - 22% so với cuối năm 2021. Mặc dù giá lợn hơi đã có dấu hiệu chững lại, nhưng giá bán lẻ ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn neo cao. Tại chợ dân sinh, giá thịt bán lẻ không thay đổi, dao động từ 80.000 - 190.000 đồng/kg. Đơn cử, tại các chợ truyền thống của Hà Nội, giá lợn thịt hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ; thịt lợn ba chỉ, thịt lợn thăn có giá  bình quân 140.000-150.000 đồng/kg... Tại các chợ lẻ, thịt chân giò cũng có giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, sườn non 212.000 đồng/kg... 

Giá thịt lợn mảnh tại chợ đầu mối trong nước hôm nay vẫn duy trì mức giá như mấy ngày trước, từ 69.000 - 85.000 đồng/kg. Trao đổi với Dân Việt, một số thương nhân kinh doanh thịt lợn tại chợ đầu mối cho rằng, giá thịt pha sẵn đã tăng từ 2 - 5 giá trong 2 tuần qua, thịt lợn mảnh tăng cao nhất cũng 5 giá, nay mới đang giảm nhẹ 1 - 2 giá. Có thể vài ngày tới, giá thịt lợn tại chợ đầu mối mới có giảm tiếp nếu giá lợn hơi cứ đà giảm như hiện nay.

Việc giá lợn tăng đột biến trong hơn 20 ngày qua là do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 36 - 38%. Cùng với đó, giá lợn hơi ở các nước xung quanh đều cao hơn Việt Nam (Trung Quốc, Thái Lan) nên giá lợn nội địa cũng tăng theo.

Với doanh nghiệp chăn nuôi lớn giá lợn như hiện nay vẫn bảo đảm được chi phí, nhưng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu lo lắng. Nếu giá tiếp tục hạ, người chăn nuôi có thể sẽ không xuất bán lợn ra nhiều như trước và lo lắng khi chăn nuôi trở lại.

Được biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Bộ này chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn. 

Bộ Công Thương cũng đang kiểm tra, kiểm soát các kênh phân phối, cung ứng như chợ đầu mối, lò mổ, không để xảy ra đầu cơ trục lợi đẩy giá lợn lên cao. Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, Chính phủ xem xét có giải pháp ngăn chặn việc đầu cơ giá để chống lạm phát là đúng, nhưng với ngành chăn nuôi, người nông dân cũng mong được tạo điều điều kiện tái đàn. Nếu giá xuống thấp quá thì người chăn nuôi sẽ không tái đàn nữa. Do đó, biện pháp bình ổn giá lợn cần hợp lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, các Bộ ngành vẫn đang cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Vấn đề là các địa phương cần có giải pháp bảo đảm nguồn cung về giống lợn, vật tư và sản phẩm với giá hợp lý để giảm chi phí, giá thành sản xuất cho người chăn nuôi.

Thứ nữa là tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại. Càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt càng tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó, sản lượng thịt bò 241.200 tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10%; sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng thịt gia cầm 980.700 tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguồn cung thịt lợn cũng như các loại thực phẩm vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước. Từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ không tăng nhập khẩu thịt lợn, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người dân. Các địa phương sẽ hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn lợn khoảng 27-28 triệu con đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó là rà soát giá con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi... để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn.

Dự báo, giá lợn hơi trong nước sẽ được giữ ổn định quanh mốc 70.000 đồng/kg. Mức giá này vừa đảm bảo người chăn nuôi có lãi, vừa không ảnh hưởng tới chỉ số giá thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng năm nay với mục tiêu CPI dưới 4%.

Theo VCBS, hiện giá lợn tại các thị trường lân cận vẫn giữ vững ở mức cao trong bối cảnh tác động của lạm phát rõ rệt (giá thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao) và nguồn cung lợn sụt giảm do dịch bệnh và liên tiếp các đợt thu mua lợn từ chính phủ Trung Quốc. Đơn vị này kỳ vọng triển vọng nguồn cung thu hẹp và nhu cầu tiêu dùng nội địa hồi phục trong nửa cuối 2022 sẽ hỗ trợ giá lợn duy trì tốt từ nay tới hết năm và có thể ở mức cao cả trong đầu năm 2023.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục