Giá lợn hơi vẫn xu hướng giảm, người chăn nuôi lo sợ bị ảnh hưởng theo đà tiêu cực

23/10/2022 16:45 GMT+7
Giá lợn hơi tại Việt Nam đang trong xu hướng giảm và dự kiến sẽ duy trì trong ngắn hạn. Cụ thể giá lợn hơi tại 3 miền giảm khoảng 10 – 11,2% trong quý III/2022. Người chăn nuôi đang lo sợ bị ảnh hưởng theo đà tiêu cực của thị trường...

Giá lợn hơi đi ngang, dao động quanh mốc 53.000 – 62.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay 23/10 đi ngang tại nhiều địa phương trên cả nước và dao động trong khoảng từ 53.000 – 62.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg. Trong đó, các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và Ninh Bình tiếp tục ghi nhận ở mức 58.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Mức giá cao nhất khu vực 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại TP.Hà Nội và Hưng Yên. Trong khi tại các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, giá lợn hơi được thương lái thu mua ở mức 59.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại trong khu vực hiện duy trì giá heo hơi 60.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 55.000 - 62.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại Ninh Thuận. Tại Đắk Lắk, Bình Thuận cùng ghi nhận giá lợn hơi 56.000 đồng/kg. Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng cùng ghi nhận mức giá 57.000 đồng/kg. Ngoại trừ Thanh Hóa đang neo ở mức 59.000 đồng/kg, các địa phương còn lại trong khu vực ghi nhận ở mức 60.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, lợn hơi hôm nay chững giá và dao động trong khoảng 53.000 - 59.000 đồng/kg. Trong đó, Kiên Giang, Sóc Trăng ghi nhận mức 53.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Ở chiều ngược lại, Long An và An Giang cùng ghi nhận mức 59.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các địa phương khác, giá lợn hơi hôm nay duy trì trong khoảng 54.000 – 58.000 đồng/kg.

Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi biến động trái chiều. Hiện, giá lợn hơi trung bình đang ở dưới mức 60.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi trung bình tại khu vực miền Bắc hiện đang ở mức 59.610 đồng/kg; giá lợn hơi trung bình ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên ở mức 58.780 đồng/kg; giá lợn hơi trung bình ở khu vực miền Nam ở mức 57.580 đồng/kg. Với mức giá lợn hơi hiện nay ở nhiều địa phương đang ở dưới mức giá thành, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Giá lợn hơi vẫn xu hướng giảm, người chăn nuôi lo sợ bị ảnh hưởng theo đà tiêu cực - Ảnh 1.

Giá lợn hơi đi ngang, dao động quanh mốc 53.000 – 62.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi vẫn xu hướng giảm, người chăn nuôi lo sợ bị ảnh hưởng theo đà tiêu cực - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Ngày 21/10 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đã giảm một giá và ổn định cho đến hôm nay (23/10). Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 62.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 61.000 đồng/kg.

Giá lợn tại Trung Quốc vẫn theo xu hướng tăng liên tục những tuần qua. Giá lợn hơi Trung Quốc ngày 21/10 là 95.300 đồng/kg tăng thêm 3 giá so với ngày 20/10 ở mức 95.000 đồng/kg, tăng so với mức 94.800 đồng/kg của ngày 19/10, so với cách đây 6 ngày (ngày 14/10) là 92.300 đồng/kg, so với mức 88.300 đồng/kg ngày 13/10, so với giá ngày 11/10 là 89.400 đồng/kg; so với mức 86.000 đồng/kg của ngày 8/10; 85.200 đồng/kg của ngày 7/10 và so với giá ngày 6/10 là 84.600 đồng/kg và so với mức 81.900 đồng/kg của cách đây 3 tuần.

Quý III, ngành chăn nuôi lợn thế giới vẫn chịu nhiều áp lực từ chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao khi chiến sự Ukraine – Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lạm phát leo thang ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, và dịch ASF vẫn lây lan tại nhiều nơi.

Chỉ số giá thịt toàn cầu giảm trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp nhưng giá lợn thịt trên thế giới tiếp tục tăng, phản ánh sự thiếu hụt nguồn cung lợn thịt giết mổ tại EU.

Tại Trung Quốc, giá lợn hơi và thịt lợn cũng tiếp tục tăng cao vì hoạt động giết mổ của người chăn nuôi chậm lại do sự sụt giảm của biên lợi nhuận. Sự leo thang của giá thịt lợn buộc chính quyền Bắc Kinh liên tiếp phải giải phóng thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia để ổn định nguồn cung và giá thịt lợn.

Ngược lại, giá lợn hơi tại Việt Nam đang trong xu hướng giảm và dự kiến sẽ duy trì trong ngắn hạn. Cụ thể giá lợn hơi tại ba miền giảm khoảng 10 – 11.2% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao.

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi có thể chưa thể hạ nhiệt dù một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu giảm giá thời gian gần đây. Nguyên nhân là giá nguyên liệu đồng loạt tăng cao trước đó, trong khi các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ tăng giá sản phẩm ở mức thấp hơn mức tăng của giá đầu vào nên bị lỗ.

Cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại

Theo nhận định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, với bối cảnh nền kinh tế và các yếu tố cơ bản hiện tại, giá nông sản có thể sẽ đón nhận những đợt rung lắc mạnh trong quý IV này. Hiện tại, các mặt hàng đều đang ở mức cao sau những đợt tăng liên tiếp trong hai năm qua.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá lợn hơi sẽ còn tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới và sẽ dao động quanh ngưỡng 55.000 - 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Với những tín hiệu khả quan của việc phục hồi kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi đang chờ đợi sự bứt phá cho những tháng cuối năm.

Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nguồn cung thịt lợn trong nước dần khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Cùng với đó, người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo cáo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III/2022, sản lượng thịt lợn của cả nước ước đạt 1.132 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021; Sản lượng thịt bò ước đạt 107 nghìn tấn, tăng 5,5%; Sản lượng thịt trâu ước đạt 26 nghìn tấn, tăng 1,6%; Sản lượng thịt gia cầm ước đạt 495 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có 10 - 12 chuỗi liên kết lớn. Đồng thời, xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm an toàn sinh học và xây dựng thương hiệu thịt lợn; triển khai các giải pháp phát triển giết mổ tập trung, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thịt lợn.

Giá lợn hơi vẫn xu hướng giảm, người chăn nuôi lo sợ bị ảnh hưởng theo đà tiêu cực - Ảnh 3.

Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tháng 8/2022 đạt 226.293 tấn, tăng nhẹ so với tháng 8/2021 và đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2021, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng 4% lên 659,6 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 4,9 tỷ USD, giảm 15% về khối lượng và giảm 13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Trong diễn biến mới khác, theo các chuyên gia, thị trường thịt lợn kỳ hạn tại Mỹ đã phục hồi mạnh từ mức thấp đầu tháng 10/2022, dự báo giá sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Theo dự báo mới nhất của USDA, sản lượng thịt lợn thế giới năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1% lên 111 triệu tấn do sản lượng ở Trung Quốc tăng lên. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 2% do ngành chăn nuôi tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Giá thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc tăng do đó sẽ hạn chế việc nuôi lợn quá béo. 

Mỹ, Brazil và Mexico cũng được dự báo sẽ tăng cường chăn nuôi để bù đắp cho sự sụt giảm ở các nước lớn khác như EU và Vương quốc Anh (UK). Giá thức ăn chăn nuôi, giá năng lượng tăng và các hạn chế về môi trường sẽ làm giảm sản lượng lợn của EU. Các nhà chăn nuôi ở Anh phải đối mặt với chi phí thức ăn chăn nuôi cao và nhu cầu đối với thịt lợn nội địa giảm. Brazil và Mexico tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất thịt lợn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, một phần do người tiêu dùng tìm kiếm các thức ăn thay thế cho thịt bò giá cao hơn và nhu cầu xuất khẩu tăng ở một số quốc gia chủ chốt. 

Sản xuất thịt lợn ở Việt Nam tiếp tục phục hồi do việc khống chế dịch tả ASF đã bảo vệ ngành này khỏi các đợt bùng phát quy mô lớn. 

Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ giảm 2% xuống 10,5 triệu tấn do nhập khẩu của Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp. Bất chấp dịch tả ASF kéo dài, nhập khẩu thịt lợn của Philippines cũng được dự báo sẽ giảm do chính sách ưu đãi nhập khẩu chấm dứt vào năm 2022; khối lượng hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn tăng tạm thời kết thúc vào tháng 5/2022 và thuế quan giảm được gia hạn đến cuối năm 2022. Nhập khẩu thịt lợn của Anh tăng do xu hướng tiêu dùng dự kiến sẽ quay trở lại như trước đại dịch, chuyển mua hàng từ bán lẻ sang dịch vụ thực phẩm, chuyển nhu cầu đối với sản xuất trong nước thịt lợn sang thịt lợn nhập khẩu.

Sản xuất và xuất khẩu thịt lợn của Mỹ: Sản lượng thịt lợn của Mỹ năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1% lên 12,4 triệu tấn khi tăng dần các giống lợn và trọng lượng lợn tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm 2023 được dự báo sẽ giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu chính như Mexico và Trung Quốc giảm. Dự báo trong tuần tới, giá thịt lợn kỳ hạn tháng 12 của Mỹ tiếp tục có xu hướng tăng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục