Giá nông sản hôm nay 11/9: Hồ tiêu Việt giảm sức cạnh tranh tại Đức; cà phê biến động trái chiều
Giá nông sản hôm nay: Tiêu đạt trung bình 78.000 đồng/kg
Tại các địa phương, giá tiêu hôm nay tăng nhẹ, lên mức trung bình là 78.000 đồng/kg.
Vài ngày qua, giá tiêu trong nước tiếp tục có chiều hướng tăng nhẹ. Các địa phương khác vẫn neo ở mức cao. Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chạm mốc 80.000 đồng/kg.
Tính từ 6/9 đến nay, giá tiêu tăng trung bình 3.000 đồng/kg.
Hiện thị trường trong nước đang diễn biến sôi động sau khoảng 2 tuần trầm lắng. Tuy nhiên, tình hình chống dịch Covid-19 tại các địa phương có kho cảng quanh TP. Hồ Chí Minh đang ảnh hưởng rất nhiều đến giá tiêu trong nước hiện nay.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia khiến hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Đức gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Điển hình là giá cước vận chuyển tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của hạt tiêu Việt Nam so với Brazil hay Sri Lanka kéo theo kim ngạch thương mại sụt giảm.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, sự phục hồi của nền kinh tế Đức kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm; trong đó, có hạt tiêu bởi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Đức, có khả năng tiêu thụ hạt tiêu nhiều hơn trong các bữa ăn hằng ngày và nguồn cung hạt tiêu tại châu Âu phải nhập khẩu hoàn toàn.
Do đó, thị trường châu Âu nói chung, Đức nói riêng luôn tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm ổn định cả về số lượng và chất lượng; tuân thủ thời gian giao hàng và tuân thủ các yêu cầu an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Đức là nhà nhập khẩu và kinh doanh hạt tiêu lớn nhất ở châu Âu nên nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu ở Đức luôn ổn định từ năm 2013 đến nay. Nhập khẩu hạt tiêu trong nửa đầu năm 2021 của Đức giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dẫn số liệu thống kê sơ bộ từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Cục Xuất Nhập khẩu cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, Đức nhập khẩu 14.249 tấn hạt tiêu, trị giá 43,14 triệu EUR (tương đương 50,86 triệu USD), giảm 10,8% về lượng, nhưng tăng 3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 3.569 USD/tấn, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Đức tăng từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Sri Lanka.
Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, Đức giảm nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam, Hà Lan, Indonesia nhưng lại tăng từ Brazil và Sri Lanka.
Theo Eurostat, nhập khẩu hạt tiêu của Đức từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4.533 tấn, trị giá 13,71 triệu EUR tương đương 16,16 triệu USD, giảm 21,9% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Không chỉ vậy, thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức giảm từ 36,34% trong 6 tháng đầu năm 2020 xuống 31,82% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hơn nữa, thị trường Đức yêu cầu rất khắt khe đối với sản phẩm. Các sản phẩm xuất khẩu vào Đức buộc phải tuân thủ các giới hạn về thuốc bảo vệ thực vật trong luật pháp châu Âu.
Trong khi đó, các nhà cung cấp nhỏ lẻ Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Do vậy, để xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Đức ổn định và bền vững, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo ngành hạt tiêu Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Giá cà phê: Thị phần cà phê của Việt Nam ở Anh giảm mạnh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê điều chỉnh trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 2.048 USD/tấn sau khi giảm 0,10% (tương đương 2 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 188,05 US cent/pound, tăng 0,32% (tương đương 0,60 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Anh tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Việt Nam và Honduras, theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu cà phê của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 16,4 nghìn tấn, trị giá 29 triệu USD, giảm 48,4% về lượng và giảm 49,3% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm từ 27,32% trong 6 tháng đầu năm 2020, xuống còn 16,35% trong 6 tháng đầu năm 2021.
Diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của cà phê của Việt Nam. Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng và xu hướng tiêu dùng của người dân Anh.
Hiện tại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đang ở dưới dạng thô hoặc chế biến sơ. Trong khi đó, cơ cấu tiêu dùng cà phê ở Anh chủ yếu là cà phê hòa tan, chiếm 41% thị phần, cao hơn rất nhiều so với bình quân 17% thị phần tại châu Âu.