Giá nông sản hôm nay 14/1: Hồ tiêu có dấu hiệu phục hồi trở lại; Heo hơi miền Bắc đã nhích lên 55.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay: Miền Bắc tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay 14/1 tại thị trường miền Bắc ghi nhận tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg ở một vài tỉnh thành trong khu vực.
Cụ thể, thương lái hai tỉnh Lào Cai và Bắc Giang hiện thu mua heo hơi lần lượt với giá 50.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua.
Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, Hà Nam, TP Hà Nội, Tuyên Quang và Hưng Yên hiện giao dịch trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại giữ nguyên giá không đổi so với ngày hôm qua. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giữ mức 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 14/1 tại miền Trung và Tây Nguyên đi ngang tại nhiều tỉnh thành.
Theo đó, một loạt các tỉnh gồm Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Thuận hiện đang giao dịch chung mức 49.000 đồng/kg.
Riêng bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận và Nghệ An cùng tăng 2.000 đồng/kg lên từ 50.000 đồng/kg đến 51.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi hôm nay 14/1 đồng loạt chững giá ở tất cả tỉnh thành được khảo sát; giá dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá nông sản: Cà phê robusta trên thị trường thế giới giảm
Trên thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.341 USD/tấn sau khi giảm 1,93% (tương đương 46 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 237 US cent/pound, giảm 1,60% (tương đương 3,85 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h50 (giờ Việt Nam).
Đầu tháng 1/2022, giá cà phê robusta trên thị trường thế giới giảm do nhu cầu suy yếu, trong khi thị trường chịu áp lực bán thanh lý, điều chỉnh vị thế đầu cơ, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Ngược lại, giá cà phê arabica tăng trước tâm lý lo ngại nguồn cung từ Brazil giảm do ảnh hưởng của hai cơn bão Eta và Iota, bất chấp việc các quốc gia sản xuất cà phê arabica chế biến ướt chất lượng cao ở khu vực Trung Mỹ báo cáo xuất khẩu tháng 12/2021 tăng mạnh so với tháng 12/2020.
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê thế giới tháng 11/2021 đạt 9,25 triệu bao cà phê các loại, giảm 12,4% so với tháng 11/2020.
Tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2021-2022, xuất khẩu cà phê thế giới đạt 18,87 triệu bao, giảm 8,8% so với 2 tháng đầu niên vụ 2020-2021. Nguyên nhân sụt giảm là do sự ách tắc kéo dài trong việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu, không phải do thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.
Thị trường nông sản hôm nay: Tiêu đi ngang
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 76.000 – 78.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (76.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.500 đồng/kg); Bình Phước (77.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.500 đồng/kg.
Sau nhiều năm biến động đi xuống, năm 2021, ngành hồ tiêu đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, tạo động lực và niềm tin cho người trồng tiêu, cũng như ngành hồ tiêu Việt Nam khởi sắc, lấy lại vị thế một trong những hàng hóa xuất khẩu tỷ USD như trước đây.
Theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), sau thời gian dài giảm giá sâu, trong giai đoạn năm 2020-2021, giá hồ tiêu chuyển biến tăng dần từ 48.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg.
Tuy mức giá này chưa bằng một nửa so với thời điểm hoàng kim của ngành hồ tiêu (230.000 đồng/kg vào năm 2016), nhưng cũng đã khiến cho ngành hồ tiêu nói chung, người trồng tiêu nói riêng khôi phục được thu nhập từ cây tiêu.
Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai chia sẻ, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, trước tiên, Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới, về các khâu chế biến, lưu thông, tiêu thụ để từ đó có thông tin chính thống, giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết và có chiến lược phát triển phù hợp.
Đồng thời, ngành hồ tiêu cũng cần sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của Nhà nước, như các Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.
Riêng người sản xuất hồ tiêu cần có kiến thức về trồng hồ tiêu, chăm bón, trồng mới cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có và nắm kịp thời bắt thị trường của ngành hàng.
Để có được vườn tiêu khỏe, chất lượng, người trồng tiêu cũng phải nắm bắt kỹ thuật trồng tiêu vững vàng, tránh được những sai sót trong quá trình chăm sóc cây như: không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết, phải chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu.
Người trồng cần chọn giống tốt để hạn chế được bệnh trên cây tiêu, trồng xen canh với loại cây khác để tăng thu nhập trên cùng diện tích, trồng tiêu trên cây trụ sống, đắp mô ở gốc; không nên tạo bồn, phải để cỏ trong vườn, tưới nhỏ giọt và chăm bón theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu khỏe mạnh, bền vững.
Ngành hồ tiêu Việt Nam muốn khôi phục lại vị trí trên thị trường thế giới như những năm trước đây, cần hội tụ nhiều yếu chính là sự đồng lòng và nắm vững thông tin thị trường của người sản xuất, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Có như vậy, các mắt xích này mới có thể phối hợp nhịp nhàng, đưa ngành hồ tiêu phát triển bền vững trở lại.