Giá nông sản hôm nay 23/8: Trung Quốc kiểm dịch ngặt nghèo, XK hồ tiêu gặp khó; cà phê đi ngang

23/08/2021 07:55 GMT+7
Giá nông sản hôm nay 23/8 ghi nhận, hồ tiêu trong nước giảm nhẹ giao dịch ở mức từ 75.000 - 79.000 đồng/kg tại các địa phương; mặt hàng cà phê ổn định so với phiên cuối tuần trước.

Giá cà phê: giao dịch khoảng 37.400 - 38.300 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 23/8 giao dịch khoảng 37.400 - 38.300 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 37.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 38.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 38.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 38.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 38.100 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 38.200 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 38.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 38.100 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua. Tổng kết tuần trước, giá cà phê tăng 900 đồng/kg.

Giá nông sản hôm nay 23/8: Trung Quốc kiểm dịch ngặt nghèo, XK hồ tiêu gặp khó; cà phê đi ngang - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay 23/8 giao dịch khoảng 37.400 - 38.300 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 tăng 19 USD/tấn ở mức 1.862 USD/tấn, giao tháng 11/2021 tăng 19 USD/tấn ở mức 1.882 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 tăng 0,05 cent/lb ở mức 178,25 cent/lb, giao tháng 12/2021 tăng 0,2 cent/lb ở mức 181,5 cent/lb.

Tính chung tuần trước, thị trường London có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng tất cả 34 USD và kỳ hạn giao tháng 11 tăng tất cả 46 USD. Tương tự, thị trường New York cũng có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm đan xen. Tuy nhiên, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm tất cả 4,50 cent và kỳ hạn giao tháng 12 giảm tất cả 4,25 cent.

Giá cà phê Arabica sụt giảm trước ngày đáo hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng 9, khi đã “quá mua” trước đó do lo ngại sản lượng Brazil vụ tới sụt giảm. Trái lại, giá cà phê Robusta tiếp nối đà hồi phục trước thông tin nhà sản xuất hàng đầu xuất khẩu sụt giảm. Thị trường cũng chứng kiến dòng vốn đầu cơ đã chuyển mạnh sang thị trường cà phê Arabica, do lợi nhuận biên của sàn New York đang có sức hấp dẫn hơn trong ngắn hạn.

Trong tuần qua, sự kiện có tác động mạnh đến thị trường tài chính phải kể đến biên bản cuộc họp của Fed, cho thấy ý định của cơ quan này muốn thu hẹp dần chương trình mua nợ 120 tỷ USD. Ngay sau đó, chỉ số đòng USD (DXY) lên mức cao nhất 2 tháng qua, do các nhà đầu cơ mua tích trữ. Điều này cùng với đồng nội tệ Brazil giảm khiến giá cà phê Arabica có dịp giảm khá sâu.

Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát khắp nơi khiến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu tạm thời sụt giảm. Trong khi nền kinh tế thế giới hồi phục không như kỳ vọng, lạm phát tăng nhanh, khiến nhiều ngân hàng lớn phải xem xét các biện pháp kích thích kinh tế. Theo các chuyên gia, đây sẽ là nguy cơ có thể làm giá cà phê và nhiều hàng hóa nông sản khác suy thoái trong ngắn hạn.

Giá tiêu hôm nay: Giảm nhẹ

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm nhẹ, giao dịch ở mức từ 75.000 - 79.000 đồng/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (75.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đồng/kg); Bình Phước (78.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.000 đồng/kg.

Theo KT&ĐT, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 1-2 tháng tới tiếp tục có nhiều hạn chế do dịch Covid-19 trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển phía Nam cùng giá cước tàu biển vẫn duy trì ở mức cao vẫn sẽ là trở ngại đối với xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ và châu Âu.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tăng kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa nhập khẩu do lo ngại dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường này.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trong nửa đầu tháng 8/2021 đạt 8.449 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 31,56 triệu USD.

Trong khi đó, xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 26.339 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 95,13 triệu USD. Như vậy, qua nửa tháng 8/2021 nhưng lượng tiêu xuất khẩu mới chỉ bằng 1/3 so với tháng 7/2021.

Tính chung 7 tháng đầu năm, Pearl Group vẫn là đơn vị xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 16.421 tấn, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng hạt tiêu xuất khẩu của Phúc Sinh, Haprosimex JSC, DK Commodity cũng giảm lần lượt là 25,8%, 8,3% và 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Olam Việt Nam đã vượt qua Phúc Sinh để vươn lên vị trí số 2 về doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam sau 7 tháng với 14.034 tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái; Nedspice đứng ngay sau với 11.627 tấn, tăng 12,8%.

Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá ấn tượng trong 7 tháng đầu năm nay như: Liên Thành tăng 51,9%, Hoàng Gia Luân tăng 26,6%, Gia vị Sơn Hà tăng 15,3%, đặc biệt Interserco VCI và Vũ Đức Thuận có khối lượng tiêu xuất khẩu tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh nghiệp Phạm Thị Hằng tăng tới 4 lần.


PV
Cùng chuyên mục