Giá thu mua cá ngừ tăng vọt
Theo đó, sản lượng cá ngừ đại dương trong năm 2020 đạt hơn 17.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 648 triệu USD. Thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, chiếm tới 41% thị phần, tăng 11% (so với những năm trước đây chỉ chiếm hơn 30%). Ngoài Mỹ, khu vực Trung Đông chiếm 15%, EU 14%, ASEAN 5%, Nhật Bản 4%, còn lại là các nước khác. Những tháng đầu năm 2021, việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các nước ổn định, nhờ vậy giá cá ngừ đại dương được các doanh nghiệp (DN) thu mua tăng 10%-15% so với năm trước.
Nhu cầu xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu khai thác tại chỗ không đủ đáp ứng nên nhiều DN đã nhập thêm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài (Malaysia, Philippines, Indonesia...) để chế biến và xuất khẩu.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho rằng với những tín hiệu tích cực như hiện nay, khả năng năm nay Việt Nam sẽ đạt được sản lượng xuất khẩu cá ngừ bằng hoặc hơn con số 17.000 tấn.
Theo ông Đáp, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đáng chú ý nhất là hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp ưu đãi 0% thuế. "Chúng ta đã có chính sách nhưng việc phân bổ và xuất khẩu còn hạn chế nên chưa tận dụng hết hạn ngạch này" - ông Đáp chia sẻ.
Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chủ lực từ cá ngừ đại dương. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu của công ty giảm 14% so với năm 2019. Những tháng đầu năm 2021, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu chủ yếu từ thị trường Mỹ, EU, các nước Trung Đông..., trong đó Mỹ chiếm tỉ trọng lớn nhất. Năm nay, DN đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển khác.