Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng lần thứ 8, có doanh nghiệp tăng tới 9 lần
Theo ghi nhận của Tiền Phong, vừa bước sang tháng 8, những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều gửi thông báo tới các khách hàng và đại lý về điều chỉnh giá bán mới.
Theo đó, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng 400 đồng/kg với tất cả các thức ăn chăn nuôi đậm đặc, hỗn hợp cho heo con tập ăn, heo nái nuôi con; thức ăn hỗn hợp cho heo còn lại tăng 300 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà, vịt, gia súc tăng 200 đồng/kg. Mức tăng được áp dụng từ ngày 1/8 áp dụng cho các nhãn hiệu của công ty tại Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Định, kho Cần Thơ, Đắk Lắk.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thức ăn chăn nuôi là Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam cũng vừa điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 2/8. Sản phẩm cám đậm đặc của công ty này tăng 400 đồng/kg; cám tập ăn heo con 300 đồng/kg; cám hỗn hợp heo 300 đồng/kg; cám hỗn hợp gia cầm thịt 200 đồng/kg; và cám bò tăng là 2000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp như Công ty NHH Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz, Công ty De Heus, Công ty US Feed, Công ty TNHH CJ Vina Agri…cũng đồng loạt tăng giá các sản phẩm. Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám heo, thức ăn hỗn hợp gia cầm, gia súc…tăng dao động từ 250 – 500 đồng/kg.
Mức tăng mạnh nhất thuộc về Công ty Guyomar’ch Việt Nam. Các loại thức ăn đậm đặc cho heo và gà của công ty này tăng 4000 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo con tăng 400 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho heo nái và heo thịt tăng 300 đồng/kg; các loại thức ăn khác tăng 200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75% giá thành sản xuất. Do đó, khi giá thức ăn biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi.
Theo ông Trọng, nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng là do biến động của thị trường nguyên liệu thế giới. Tính từ lần tăng giá đầu tiên từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng trung bình từ 7-8 đợt, có doanh nghiệp lên tới 9 đợt (tăng từ 30-40%) trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp khiến không ít hộ chăn nuôi từ chăn nuôi lợn, gà, vịt đến thủy sản…thua lỗ.
Trước tình hình tăng chóng mặt thức ăn chăn nuôi, ông Trọng cho biết Bộ NN&PTNT đang đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào diện mặt hàng bình ổn giá. Nếu được Bộ, ngành ủng hộ và làm được điều này sẽ giúp ngành chăn nuôi ổn định hơn, và người nông dân đỡ bấp bênh hơn.