Giá vàng hôm nay 30/10: Vàng giảm mạnh, bay 1,6% ngay trong phiên
Giá vàng thế giới cập nhật lúc 7 giờ sáng nay (30/10) đứng ở mức 1.784,3-1.784,4 USD/ounce (mua vào-bán ra), tăng 7,4 USD/ounce so với cùng thời điểm này sáng qua, ở mức 1.776,9-1.777,4 USD/ounce.
Vàng thế giới giảm giá khá mạnh trong phiên sau khi thị trường đón nhận thông tin về dữ liệu lạm phát của Mỹ, diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nóng và sự phục hồi của chỉ số đô la Mỹ.
Giá vàng thế giới có lúc giảm tới 30 USD/ounce khi các dữ liệu liên quan đến lạm phát nóng lên, tương đương bốc hơi hơn 1,55% ngay trong phiên. Cụ thể, Mỹ công bố chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân tháng 9/2021 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới đầu tư tài chính suy đoán lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, tạo động lực cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed) giảm mạnh việc bơm tiền ra thị trường và sớm tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Khi đó, người nắm giữ USD sẽ có nhiều lợi thế. Thế nên, sau khi đồng bạc xanh bị bán tháo vào các phiên giao dịch trước, nhiều người đã dồn vốn vào USD giúp đồng tiền này tăng giá trên diện rộng. Giá vàng do đó rơi vào thế bất lợi.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng thừa nhận rằng Fed đang đối mặt với một tình thế mà ngân hàng trung ương này đã rất lâu không gặp phải, trong đó có sự mâu thuẫn giữa hai mục tiêu của Fed là lạm phát thấp và ổn định cùng với tỷ lệ việc làm cao.
“Vượt qua trở ngại này trong hai năm tới sẽ là một việc đầy thách thức, bởi chúng ta có giả thiết là lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Chúng tôi nghĩ giả thiết đó là đúng, nhưng chúng tôi lo ngại rằng các kỳ vọng lạm phát sẽ duy trì ở mức cao, như cho tới thời điểm này”, ông nói.
Lạm phát ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với mục tiêu 2% mà ngân hàng này đặt ra. Tuy nhiên, ông Powell cho biết các nút thắt nguồn cung có khả năng sẽ được nới lỏng dần, theo đó áp lực lạm phát và tiền lương cũng giảm theo. Chủ tịch Fed khẳng định ngân hàng này sẽ có biện pháp để kiềm chế lạm phát trong trường hợp cần thiết.
Nhà phân tích Daniel Briesemann của ngân hàng Commerzbank (Đức) cho biết, một mặt giá vàng có thể sinh lời từ kỳ vọng lạm phát tăng, nhưng nó đang được kiểm soát do triển vọng tăng lãi suất trong tương lai gần hoặc xa hơn.
Giá vàng trong nước: Kết thúc phiên giao dịch 29/10, giá vàng miếng 9999 trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 57,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,3 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội và 57,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,4 triệu đồng/lượng (bán ra) tại TP.HCM.
Giá vàng tại SJC niêm yết ở mức 57,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,42 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Còn tại TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 57,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Với mức giá ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) chênh lệch giá vàng SJC trong nước khoảng 8,4 triệu đồng/lượng.
Báo cáo "Xu hướng nhu cầu vàng quý III/2021" do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố cho biết, người tiêu dùng Việt Nam chỉ tiêu thụ một tấn đồ trang sức bằng vàng trong quý vừa qua, giảm 50% so với quý III/2020. Cùng với đó, tiêu thụ vàng miếng và xu vàng cũng chỉ đạt 2 tấn, cũng giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
"Nguyên nhân chủ yếu là việc giãn cách xã hội kéo dài nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19, khiến nhu cầu mua bán trang sức, vàng miếng và tiền xu bị ảnh hưởng đáng kể", ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết.
"Hiện nhu cầu vàng trên toàn Đông Nam Á đang bắt đầu tăng lên nhờ việc nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn chưa thể quay trở lại như trước đại dịch. Kỳ vọng là xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong quý cuối của năm, khi vàng được xem là vật bảo vệ của cải và là tài sản trú ẩn an toàn", Hội đồng Vàng Thế giới nhận định.