Giá vàng hôm nay 7/8 tiếp tục tăng sau "cú hích" của gói kích thích kinh tế Mỹ

07/08/2020 06:52 GMT+7
Giá vàng hôm nay 7/8 tăng mạnh là nhờ giới đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ phê duyệt gói kích thích kinh tế mới để đối phó với dịch Covid-19, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ duy trì mức lãi suất thấp thời gian dài.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 7/8 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay đang được giao dịch ở mức 2.064 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 58,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 2,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Nhiều yếu tố ủng hộ đà tăng của vàng

Sự bứt tốc của vàng trong những ngày gần đây là nhờ giới đầu tư kỳ vọng Mỹ sẽ phê duyệt gói kích thích kinh tế mới để đối phó với dịch Covid-19, trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ duy trì mức lãi suất thấp thời gian dài.

Giới chuyên gia nhận định giá vàng đã tăng vượt ngưỡng trong lịch sử và có được sự bứt phá này là nhờ thế giới đang kỳ vọng Mỹ sẽ phê duyệt gói kích thích kinh tế mới để ngăn chặn thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra.

Giá vàng hôm nay 7/8 vẫn nằm trong xu hướng đi lên - Ảnh 1.

Lượng khách đến giao dịch tại cửa hàng kinh doanh vàng rất đông trong ngày 6/8. Ảnh: Sơn Tùng

Bên cạnh đó, giá vàng đã được thổi bùng lên sau thông tin về vụ nổ ở Beirut, Lebanon. Chiến lược gia trưởng mảng thị trường của Blue Line Futures Phil Streible khẳng định không chỉ vàng mà bạc cũng đang “cất cánh” sau khi xảy ra thảm họa tại Beirut khiến hơn 4.000 người thương vong. Cả hai kim loại này đều được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đều lao đao vì dịch bệnh, giá USD đi xuống.

Trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đặc biệt tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hòa về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD.

Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu Chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.

Trên Kitco, FXStreet cho rằng, biểu đồ kỹ thuật cho thấy sự tăng giá có thể bị hạn chế và kim loại vàng có nguy cơ điều chỉnh. Dù vậy, về tổng thể, xu hướng chung vẫn là tăng bởi động thái mua vào khi giá rẻ sẽ tiếp tục.

Bên cạnh đó, các nhà chiến lược gia của Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) cũng vừa đưa ra dự báo giá vàng với 3 kịch bản gồm: Kịch bản thấp, kịch bản cơ bản và kịch bản cao trong đó, kịch bản điên rồ nhất nhưng lại dễ xảy ra nhất là giá vàng thế giới sẽ vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce, tương đương khoảng 86 triệu đồng/lượng vào quý 1/2021.

Theo đó, với kịch bản là giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại, vượt qua mức 3.000 USD/ounce thì vàng chính là tài sản ngôi sao của năm 2020.

Trường hợp giá vàng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce, thị trường có thể phải chứng kiến các điều kiện kinh tế xấu đi, bởi theo các nhà chiến lược thì với những yếu tố có thể kích hoạt một đà tăng giá khủng khác có thể trùng với kích thích tiền tệ chưa từng có, bong bóng tài sản và có lẽ là thêm sự khó kiểm soát lạm phát.

Thực tế cho thấy, giá vàng đã tăng quá mạnh, khoảng 65% trong vòng 2 năm qua. Nó khiến nhiều người e ngại mặt hàng này đã chạm đỉnh. Tuy nhiên, không ít dự báo cho rằng, đỉnh của vàng trong đợt tăng giá này còn khá xa, có dự báo lên tới 3.000 USD/ounce, thậm chí 4.000 USD/ounce.

Nhiều dự báo cho rằng, vàng sẽ đạt đỉnh và đảo chiều đi xuống chỉ khi nào Fed phát đi tín hiệu về việc nâng lãi suất trở lại.

Nhà vàng neo giá cao để tránh thâm hụt quỹ vàng?

Tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng 7/8, giá vàng hôm nay được PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết ở mức 59,60 - 61,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại SJC Hà Nội, giá vàng hôm nay được niêm yết ở mức 59,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,40 triệu đồng/lượng (bán ra).

Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 59,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,00 triệu đồng/lượng (bán ra). Phú Quý niêm yết giá vàng hôm nay ở mức 59,60 - 61,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Lý giải về đà tăng của vàng trong nước, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết đà tăng của vàng nương theo sự biến động của thị trường vàng thế giới.

Giá vàng hôm nay 7/8 vẫn nằm trong xu hướng đi lên - Ảnh 2.

Biên độ chênh lệch giữa mua và bán cao, nhà vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng.

Cụ thể, tại ngày 5/8, giá thế giới tăng hơn 3% thì vàng trong nước lại tăng chậm hơn nhiều, đến trưa 5/8 mới đạt 59,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá trong nước với thế giới khi đó giảm xuống dưới 2 triệu đồng.

Theo đó, xu hướng này có nguyên nhân từ việc các nhà buôn vàng trong nước dự báo giá thế giới tăng trong ngày 4/8 (giờ Mỹ) là tăng “hỗn” và sẽ phải điều chỉnh lại.

Thực tế, vàng đã tăng lên 2.024 USD rồi giảm về 2.015 USD trong phiên 4/8, nhưng đến tối 5/8, giá lại được đẩy lên tới 2.040 USD/ounce. “Do đã có đợt điều chỉnh trước đó nên mức tăng đêm 5/8 không còn là tăng hỗn nữa. Vì vậy đến ngày 6/8, cả SJC và các doanh nghiệp vàng khác phải đồng loạt tăng giá mua bán vàng”, ông Hải nói.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho biết đà tăng của vàng 2 phiên gần đây có đặc điểm lạ khi thị trường chứng khoán cũng tăng.

“Tại sao kinh tế thế giới đang suy yếu mà cả chứng khoán và vàng cùng xanh?”. Ông giải thích, điều này cho thấy đã xuất hiện lạm phát từ các gói kích cầu khủng của chính phủ nhiều nước. Khi lạm phát tăng, người dân biết giữ tiền cũng không có lợi ích nên đổ tiền vào chứng khoán và vàng.

“Cả vàng và chứng khoán cùng tăng mạnh đang là hiện tượng không tốt, và có yếu tố bong bóng xuất phát từ việc tiền đang tràn ngập thị trường. Xu hướng khác hoàn toàn so với một nền kinh tế lành mạnh”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định đến một thời điểm vàng sẽ đảo chiều khi nền kinh tế thế giới phục hồi và chứng khoán sẽ tăng thêm vì dòng vốn chuyển dịch từ vàng sang.

Tuy nhiên, dù giá trong nước tăng liên tục nhưng khối lượng mua bán trên thị trường không nhiều, giá vẫn phải tăng lên nếu không dòng vốn sẽ bị hút ra thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, do Việt Nam không sản xuất được vàng nguyên liệu nên giá kim loại quý thế giới tăng thì vàng trong nước cũng phải tăng theo. Nghị định 24 cũng khiến các doanh nghiệp như SJC, DOJI không tự chủ được nguồn vàng và bắt buộc phải neo giá cao để tránh thâm hụt quỹ vàng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước đà tăng của giá vàng hiện tại, biên độ chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2 triệu trở lên là đặc biệt rủi ro cho người mua vàng. Lúc này, nhà vàng sẽ bán vàng với giá cao và mua vào với giá thấp, khiến nhà đầu tư nếu xuống tiền mua vào mất ngay 2 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng lên, nhà đầu tư sẽ có lời, nhưng nếu giá xuống, nhà đầu tư sẽ sớm gánh hậu quả.

"Như vậy, có thể nói nhà vàng đang đẩy rủi ro về phía người khách hàng. Do đó, nhà đầu tư nên quan sát biên độ chênh lệch giữa mua và bán, càng cao thì càng rủi ro", ông Hiếu cho hay.


Q.D
Cùng chuyên mục