Giá vàng hôm nay tăng phi mã, dự báo vượt 2.500 USD/ounce, USD không còn hấp dẫn
Giá vàng hôm nay 31/7 trên thế giới tăng vọt lên trên mốc 2.400 USD/ounce, sau tin tức về cuộc tấn công của Israel vào Lebanon. Đến 15h45, giá vàng hôm nay (vàng giao ngay) đang đứng ở mức 1.417 USD/ounce, tăng 8,34 USD so với chốt phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng hôm nay (vàng giao tương lai tháng 12/2024) trên sàn Comex New York ở mức 2.461 USD/ounce, tăng 8,3 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng nhanh, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, vàng có thể lên mức 2.500 USD/ounce trong năm nay, và có thể lên tới 3.000 USD/ounce trong năm tới.
"Hiện tại không thấy có yếu tố nào có thể tác động làm giảm giá vàng", ông Hiếu nói.
Giá vàng hôm nay trên sàn Comex. (Nguồn: CNBC)
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, vàng cũng là kênh đầu tư nên cẩn trọng nhất. Bởi, kênh tài sản này không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. Đặc biệt, năm 2024 là năm Nhà nước rất quan tâm đến thị trường vàng và sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ.
Đối với các kênh đầu tư khác như thị trường ngoại hối, ông Hiếu cho biết, tỷ giá đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay. Nhìn về 6 tháng cuối năm 2024, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt khi Mỹ giảm lãi suất có thể áp lực về tỷ giá sẽ giảm. Nhưng nhiều bất ngờ có thể xảy ra liên quan đến cuộc tranh cử Tổng thống tại Mỹ và chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Dù vậy, thị trường ngoại hối không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như nhiều năm trước đây.
Với kênh tiền gửi, trong 6 tháng đầu năm tăng chậm với lãi suất huy động tiếp tục giảm và các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán trở nên “hot” hơn. Trong khi đó lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ.
"Trong nửa năm sau, với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay, mà tại thời điểm này điều đó đã xảy ra. Lãi suất huy động tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024", ông Hiếu nhận định.
Một trong những kênh khá "hot" trong thời gian qua chính là chứng khoán. TS Hiếu dự báo, trong nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn so với nửa đầu năm 2024 bởi đây là “hàn thử biểu của nền kinh tế”. Nếu kinh tế phục hồi mạnh vào nửa năm sau của 2024 thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đó. Cụ thể hơn, những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông, và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng sẽ có tính bền vững, hấp dẫn so với các mã cổ phiếu khác.
Riêng bất động sản của các loại hình nông nghiệp, đất nền, thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chưa thấy khởi sắc nhưng bất động sản tại các đô thị cũng và công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 và dự báo tiếp tục tiềm năng đến cuối năm 2024.
Lý do bởi, công nghiệp là ngành phát triển tốt khi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, bất động sản, nhà ở tại những thành phố lớn mặc dù giá cao nhưng nhu cầu vẫn rất lớn nên đây vẫn là kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Còn Crypto Currency- đồng tiền mã hóa sẽ biến động ra sao?
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền mã hóa vẫn đang được cơ quan quản lý “nhìn” với con mắt rất dè dặt nhưng cũng chưa có động thái mang tính cấm đoán ngoài quy định vẫn có từ trước là không dùng đồng tiền mã hóa trong thanh toán. Nhưng trong trường hợp có những biến động lớn về địa chính trị, và kinh tế toàn cầu, ông cho rằng vai trò của crypto sẽ lên ngôi và khi đó sẽ tạo một áp lực rất lớn lên Ngân hàng Nhà nước.
"Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng không thể khoanh tay đứng nhìn trong trường hợp đồng tiền mã hóa đóng vai trò ngày càng lớn trên thị trường tài chính toàn cầu và tại Việt Nam và có lẽ cơ quan quản lý cần sớm thực hiện chương trình thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox).
Chúng ta không thể để ngỏ, đứng ngoài lề những biến động của vấn đề này bởi các tác động sẽ rất lớn đến thị trường tài chính, kinh tế, xã hội Việt Nam.
Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần sớm phê chuẩn và ban hành những quy định về regulatory sandbox để thử nghiệm hoạt động, từ đó rút ra kinh nghiệm và bài học khi vận hành chính thức trong nền kinh tế", TS Hiếu nhấn mạnh.