Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức kỷ lục

16/08/2023 07:46 GMT+7
Số liệu từ Tổng Cục Hải Quan cho thấy, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục trong tháng 7/2023, đạt mức 2.828 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7 đạt 108.870 tấn, với trị giá 37,86 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 18,4% về trị giá so với tháng 6/2023. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 7,6% về lượng, nhưng tăng 14,1% về trị giá.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,12 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022; trị giá đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3,7%.

Tháng 7/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng 6/2023 và tăng 23,4% so với tháng 7/2022. 

Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức kỷ lục - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng Cục Hải Quan cho thấy, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục trong tháng 7/2023, đạt mức 2.828 USD/tấn.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.418 USD/tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, trong 7 tháng năm 2023, Đức là thị trường nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam với 137.446 tấn, đạt 300,5 triệu USD, giảm lần lượt 8% về lượng và 5,5% về trị giá YoY.

Italy lại ghi nhận tăng 27,5% và 29,2% YoY, đạt 106.475 tấn và 234,5 triệu USD. Đứng sau là thị trường Mỹ với 86.546 tấn, đạt 202,3 triệu USD, tăng 20,5% và 16,3%...

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Tây Ban Nha, Bỉ giảm, nhưng xuất khẩu sang Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Angiêri, Hà Lan, Mexico tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê xuất khẩu sẽ được hưởng lợi về giá

Dự báo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý 3/2023 sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.

Thống kê mới nhất của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), trong tuần giao dịch từ 7 - 11/8, giá cà phê Arabica ghi nhận mức giảm 2,20% với 4 trên 5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng 2,30% so với tham chiếu. Sự đối lập về nguồn cung giữa hai mặt hàng là yếu tố chính tại khiến giá cà phê diễn biến trái chiều trong tuần trước.

Đối với Arabica, xuất khẩu cà phê của Brazil đang được đẩy mạnh khi thu hoạch cà phê Arabica niên vụ 2023/24 đã đạt 80% diện tích. Xuất khẩu cà phê Arabica dạng hạt của Brazil đã đã đạt 2,19 triệu tấn trong tháng 7, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hiệp hội các nhà xuất khẩu Cecafe cho biết.

Đồng thời, các cơ quan cung cấp thông tin đang lạc quan về sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 của quốc gia này. Nhà cung cấp dịch vụ rủi ro và phân tích Hedge Point Global Markets cho biết, nông dân Brazil dự kiến sẽ sản xuất 65,8 triệu bao cà phê loại 60kg trong năm 2023, cao hơn mức 63,8 triệu bao dự báo trước đó.

Với tình hình nguồn cung đang dần có sẵn như hiện nay, MXV nhận định giá Arabica trong tuần này nhiều khả năng có thể tiếp tục suy yếu.

Ngược lại, đối với Robusta, xuất khẩu cà phê tại Việt Nam vẫn cho thấy sự sụt giảm. Trong tháng 7 Việt Nam đã vận chuyển 108.872 tấn cà phê ra nước ngoài, giảm 22,6% so với tháng trước. Đồng thời, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.116.804 tấn. Xuất khẩu cà phê ở mức thấp tại quốc gia cung ứng Robusta lớn nhất thế giới tiếp tục dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, dù cho Brazil đang đẩy mạnh bán cà phê vụ mới.

Hiện nay, nước ta xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta (chiếm khoảng 75,5% tổng giá trị xuất khẩu cà phê năm 2022) .


O.L
Cùng chuyên mục