Giám đốc Dragon Capital: Đầu tư 1.000 USD vào chứng khoán được 21 triệu USD, vào vàng chỉ được 100.000 USD sau 100 năm
Tại toạ đàm trực tuyến "Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021" do báo Đầu tư tổ chức sáng nay 28/7, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital nhấn mạnh: VN-Index đã giảm 13-14% so với mức đỉnh nhưng thị trường Việt Nam trưởng thành một bậc.
Theo ông Tuấn, về thanh khoản ở ngưỡng 25.000 - 30.000 tỷ đồng một phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hoá thị trường HOSE là không thực tế và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. Trên thế giới, quan sát cho thấy rất khó để thanh khoản nằm ở mức đó. Thanh khoản HOSE 15.000-17.000 tỷ tương đương với 80% vốn hoá là hợp lý và nên ổn định ở mức này.
Về mặt định giá mức P/E 19 lần có lúc là đắt, có lúc cũng là rẻ tùy thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Nếu như nhìn vào Việt Nam chúng ta, trước khi Covid trở thành vấn đề lớn, thì dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp khoảng 50-52% (gồm cả doanh nghiệp trên UPCoM), nhưng vì Covid nên dự báo giảm xuống, tăng trưởng 40% cho năm 2021, và năm 2022 nếu kiểm soát được dịch thì lợi nhuận tăng 22-25%.
"Đặt chúng ta về lại thời điểm hồi năm 2020, chúng ta không ai dám nói năm 2021, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 30-40%", ông Tuấn cho hay.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng khi Covid được kiểm soát, hoạt động kinh tế sẽ tăng trở lại một cách đột biến. Ví dụ như ở sự hồi phục của các nền kinh tế là rất mạnh như Mỹ, GDP tăng 6,6% cao nhất mấy chục năm qua.
Tuy nhiên, nói về thị trường giảm đợt qua, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng có 2 yếu tố, định giá là một phần, yếu tố thứ 2 là dòng tiền.
Trong đó, dòng tiền nước ngoài rút ròng mạnh, từ đầu năm đến nay rút ròng trên sàn chứng khoán 1,7 triệu USD và trong 3 năm qua là 4 tỷ USD. Cộng thêm lượng cho vay ký quỹ tăng đột biến ở các công ty, vậy muốn thị trường tăng tiếp, cần có các đợt chuyển hóa từ người vay nhiều sang các nhà đầu tư chưa vay, dòng tiền nước ngoài quay lại, dòng tiền mới thay thế dòng tiền cũ. Nhưng với diễn biến này, ông Tuấn đánh giá là tốt.
Xét kỹ hơn về định giá năm 2021, với tăng trưởng lợi nhuận 35-40%, PE khoảng 14-15 lần. Còn năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận 22-25% thì PE còn 11,5-12 lần, so với PE trung bình thị trường 15-16 lần thì còn cách rất xa, còn hấp dẫn. Có vài công ty trên sàn có định giá so với trung bình toàn thị trường, nhưng tổng thể 11-12 lần PE thì không đắt.
“Chúng tôi không quan tâm ngắn hạn mất 5 - 10% khi nhìn thấy có thể đạt được 20 - 30% dài hạn. Nên nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 như trên, thì vùng 1.200 - 1.250 điểm là vùng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt”, ông Tuấn nhấn nói.
Chia sẻ về lời khuyên tới Nhà đầu tư tại buổi tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn đánh giá: Nếu nói về kênh đầu tư hiệu quả, kênh chứng khoán đang cho thấy lợi thế rất lớn. Đầu tư chứng khoán nhìn 15 - 50 năm và 100 năm qua, vẫn hiệu quả nhất. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu đầu tư 1.000 USD, sau 100 năm được 21 triệu USD, đầu tư vào vàng chỉ được 100.000 USD.
Nếu xét về góc cạnh thị trường Việt Nam 21 năm, 15 năm, 10 năm và 5 năm thì kênh chứng khoán so với kênh bất động sản nhà chung cư vẫn tốt hơn rất là nhiều. So với kênh trái phiếu, vàng, tiền gửi USD cũng là nổi trội hơn.
"Lời khuyên của tôi là, đừng bao giờ nắm giữ tiền USD, vàng có thì ít thôi - là hai kênh đầu tư kém nhất trên thị trường. Đầu tư càng sớm càng tốt và phương pháp đầu tư bình quân bất chấp thị trường cao thấp là phương pháp đầu tư hiệu quả cho nhà đầu tư mới. Cả chuyên gia, dự đoán xu hướng thị trường còn sai. Nên các bạn nên đầu tư đều, đầu tư nhiều và càng sớm càng tốt", ông Tuấn nhấn mạnh.