Giao dịch thế giới ảm đạm, giá hạt tiêu có sớm thoát khỏi vùng đen tối?

24/03/2022 06:41 GMT+7
Xu hướng giảm giá hạt tiêu được dự báo sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Bởi chí phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao, trong khi thời tiết diễn biến bất thường khiến sản lượng hạt tiêu giảm.

Xu hướng giảm giá hạt tiêu dự báo chỉ diễn ra trong ngắn hạn

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế, giữa tháng 3/2022 so với cuối tháng 2/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu giảm tại Ấn Độ và Indonesia; ổn định tại Brazil và Malaysia; nhưng tăng tại Việt Nam. 

Cụ thể: Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 18/3/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 71 USD/ tấn so với ngày 28/2/2022, xuống còn 4.145 USD/ tấn. Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 64 USD/tấn so với ngày 28/2/2022, xuống còn 6.918 USD/tấn. 

Tại Brazil, ngày 18/3/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giá ổn định ở mức 3.950 USD/tấn so với ngày 28/2/2022. 

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 18/3/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 28/2/2022. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 18/3/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng tăng 50 USD/tấn so với ngày 28/2/2022, lên mức 4.000 USD/tấn và 4.200 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 50 USD/ tấn so với ngày 28/2/2022, lên mức 6.000 USD/tấn.

Giao dịch thế giới ảm đạm, giá hạt tiêu có sớm thoát khỏi vùng đen tối? - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Giao dịch hạt tiêu thế giới diễn ra khá ảm đạm. Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, lạm phát, hàng hóa tăng giá tại nhiều quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực lên giá hạt tiêu toàn cầu. 

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Xu hướng giảm giá hạt tiêu được dự báo sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi chí phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao, trong khi thời tiết diễn biến bất thường khiến sản lượng hạt tiêu giảm. 

Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, vụ mùa hạt tiêu năm nay bị mất mùa do thời tiết không thuận lợi, dẫn đến nguồn cung giảm.

Các địa phương đang bước vào thu hoạch vụ mới, nên các nhà nhập khẩu muốn chờ đợi nguồn cung dồi dào và giá giảm. 

Dự kiến các nhà nhập khẩu sẽ bắt đầu tăng mua kể từ tháng 4/2022 trở đi, khi Việt Nam vào thu hoạch giai đoạn cuối. 

Ngày 18/3/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh từ 2.500 – 3.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 28/2/2022, xuống còn 78.500 – 81.000 đồng/kg. Mức giảm cao nhất 3.500 đồng/kg diễn ra ở các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai; mức giảm 3.000 đồng/kg diễn ra ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông; mức giảm 2.500 đồng/ kg diễn ra ở tỉnh Gia Lai. Giá hạt tiêu trắng ở mức 119.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2022, nhưng vẫn cao hơn so với mức giá 103.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo khảo sát, giá tiêu hôm qua (23/3) vẫn còn biến động nhẹ tại một vài nơi. Cụ thể, các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng ghi nhận mức giảm 500 đồng/kg.

Trong đó, Đồng Nai có mức giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg và cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với mức 80.500 đồng/kg. Tỉnh Bình Phước cũng điều chỉnh giá về mức 79.500 đồng/kg.

Các địa phương còn lại không chứng kiến thay đổi mới. Hiện tại, giá thu mua tại tỉnh Gia Lai vẫn ổn định ở mức 78.500 đồng/kg.

Tương tự, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng không có thay đổi mới, được giữ nguyên cùng tại mức 79.500 đồng/kg.

Giao dịch thế giới ảm đạm, giá hạt tiêu có sớm thoát khỏi vùng đen tối? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Làm sao để bán hạt tiêu với giá tốt nhất?

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 16 ngày đầu tháng 3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 12.156 tấn, kim ngạch đạt 56,8 triệu USD. Xuất khẩu 2,5 tháng đầu năm đạt 41.197 tấn, giảm 6,66% về lượng nhưng lại tăng 39,12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 4.666 USD/tấn, tăng 2,62% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 2/2022.

Còn theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 02/2022 đạt 14,5 nghìn tấn, trị giá 65,97 triệu USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 11,1% về trị giá so với tháng 01/2022, nhưng tăng 8,0% về lượng và tăng 69,5% về trị giá so với tháng 02/2021. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 30,16 nghìn tấn, trị giá 139,7 triệu USD, giảm 0,4% về lượng, nhưng tăng 59,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Giao dịch thế giới ảm đạm, giá hạt tiêu có sớm thoát khỏi vùng đen tối? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Dự báo thời gian tới, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam gặp khó khăn do giá xăng dầu ở mức cao, giá cước phí vận tải chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga. 

Chính sách “Zezo Covid” tại Trung Quốc cũng tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam.

Tháng 02/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.548 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 01/2022, nhưng tăng 56,9% so với tháng 02/2021. Tính chung 02 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 4.631 USD/tấn, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Giao dịch thế giới ảm đạm, giá hạt tiêu có sớm thoát khỏi vùng đen tối? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về thị trường: Tháng 02/2022 so với tháng 02/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Ấn Độ, Anh. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường chủ lực tăng trưởng ở mức cao như: Đức, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Philipines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. 

Trong 02 tháng đầu năm 2022, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 27,3%; Đức tăng 56,4%; Hà Lan tăng 79,9%; Nhật Bản tăng 68,6%; Hàn Quốc tăng 58,5%.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam. Xét về tỷ trọng, Nga chỉ chiếm 1,6% và Ukraine chỉ chiếm 0,3%.

Còn với Trung Quốc, thị trường này vẫn đang là một ẩn số và phụ thuộc nhiều vào các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 của Trung Quốc.

Tuy nhiên, không giống như những năm trước, năm nay người trồng tiêu chỉ bán một số lượng nhỏ đủ để trang trải chi phí tạm thời và ưu tiên giữ lại hàng, kỳ vọng chu kỳ giá sẽ tăng hơn nữa. Vụ thu hoạch năm nay dự kiến kết thúc vào giữa tháng 4 tới.

Năm nay, nhìn chung tình hình thu hoạch có nhiều khó khăn do thiếu nhân công thu hái và chi phí nhân công tăng cao so với mọi năm. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào như phân bón, xăng dầu tăng cao khiến lợi nhuận giảm và bài toán đầu tư cho vụ sau của người dân còn đang bỏ ngỏ.

Trong khi đó, việc người dân có xu hướng giữ lại hàng chờ giá tăng cũng khiến cho doanh nghiệp khó chủ động về nguồn nguyên liệu. Xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, phí vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hạt tiêu của cả nước trong năm nay có thể giảm 10%. Mặc dù vậy, tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh.

Phần lớn các hộ được khảo sát cho rằng sẽ trữ tiêu vụ mới, chỉ bán ra khi có nhu cầu chi tiêu và có kỳ vọng giá tăng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục