Giống mít đỏ cho quả 4 vụ/năm hay bị phù phép đổi màu?
Trên nhiều trang bán hạt giống online ở Facebook, không khó để tìm những nơi rao bán cây giống "độc, lạ" như như mít da đỏ, bưởi da đỏ, chuối đỏ… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Liên lạc với một trang bất kì bằng cách nhắn tin, PV Etime chỉ nhận được những câu trả lời chung chung như "dễ trồng, năng suất cao, quả ngọt".
Một trang Facebook có tên Chuẩn Rose-Trại cây giống quảng cáo rằng, lô hàng nhập về có số lượng chỉ khoảng 50 cây, người mua chậm tay sẽ không còn hàng. Và để lấy lòng tin của khách hàng, người bán còn khẳng định: đây là giống hoàn toàn mới, được nhập khẩu về Việt Nam gần đây.
Giá mỗi cây giống là 199 nghìn đồng; cam kết mít da dỏ sau khi trồng từ 12 – 18 tháng sẽ bắt đầu cho quả. Cây cho năng suất cao, tới 4 vụ/năm, 80 – 150 kg/cây/vụ, bán được giá, rất hút thị trường.
Khi hỏi đến nguồn gốc xuất xứ cụ thể, chúng tôi không nhận được câu trả lời. Để kiểm chứng kĩ hơn, phóng viên đã gọi cho số điện thoại được ghi, nhưng đều không liên lạc được.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Khoa (50 tuổi, trú tại TP Hà Nội) cho biết, gia đình bà trồng mít đã 30 năm nay nhưng bà chưa bao giờ nghe ai nói về giống mít da đỏ.
"Nhà tôi có 3 sào vườn chỉ để trồng mít, trong vườn cũng có đủ loại giống mà tôi chưa nghe thấy giống mít da đỏ bao giờ. Còn ở bên ngoài họ xịt sơn vào vỏ rồi rao bán giống mít da đỏ, tôi nghĩ đó chỉ là chiêu trò muốn nâng giá lên thôi.
Để phân biệt loại này, mọi người nhìn kỹ, trên quả mít bị xịt sơn đỏ sẽ có một lớp óng ánh, còn nếu là màu tự nhiên thì không bao giờ óng ánh như thế", bà Khoa cho biết.
Không chỉ là mít, còn có bưởi đỏ, na đỏ,... Với giá bán 150 nghìn đồng/cây giống, lợi nhuận đem lại cho những cửa hàng online này vô cùng lớn, còn thiệt hại của người trồng thì không ai đếm được.
Không mất công sơn đỏ, nhiều gian thương đã sử dụng photoshop (một ứng dụng chỉnh sửa ảnh) để tạo màu cho quả. Khi sản phẩm đăng đẹp hơn, hút mắt hơn thì người mua cũng nhiều hơn.
Quảng cáo sai, hậu quả thật
TS Vũ Việt Hưng, Trưởng bộ môn Cây ăn quả (Viện Nghiên cứu rau quả thuộc VASS) chia sẻ, rất nhiều cơ sở, cửa hàng bán giống (cả online) tự mở ra kinh doanh và gần như không có người quản lý. Người ta muốn bán gì thì bán, không qua khảo nghiệm giống cây trồng.
Theo ông Hưng, những giống cây độc, lạ (trừ sản phẩm photoshop) hiện nay được rao bán tràn lan có nguồn gốc nhiều nước và rất dễ nhập về.
Điển hình như giống bưởi Ruby của Thái Lan, được quảng cáo khắp nơi là vỏ đỏ, ruột đỏ, nhưng trên thực tế là vỏ xanh, ruột đỏ. Các cửa hàng đều quảng cáo đây là giống bưởi chất lượng ngon, năng suất cao, thời gian cho ra quả nhanh.
Nhưng theo ông Hưng, chất lượng quả bưởi Ruby Thái Lan chỉ ở mức trung bình so với các giống bưởi cổ truyền Việt Nam, thậm chí là ăn khá chua.
Hiện nay, Bộ môn do ông Hưng phụ trách đã đem giống bưởi Ruby Thái Lan về trồng thử nghiệm. Đánh giá về giống cây mới này, ông Hưng nói: “Giống cây này không có triển vọng. So với giống bưởi da xanh của Việt Nam thì không có ý nghĩa gì về mặt sản xuất. Chúng tôi chỉ sử dụng giống bưởi này làm vật liệu nghiên cứu”.
Ông Hưng khẳng định, nhiều quảng cáo rất sai về mặt chuyên môn. Ví dụ như giống táo đỏ là cây ôn đới lại trồng ở điều kiện miền Bắc. Đây là loại cây phải yêu cầu độ lạnh sâu.
Nhưng nhiều nơi rao bán giống khẳng định có thể cho quả quanh năm, năng suất cao, dễ trồng? Nếu như người dân tin và mua về trồng, chắc chắn sản xuất sẽ thất bại.
Chia sẻ rất thật, khi thấy nhiều nơi rao bán giống trên mạng có dấu hiệu lừa đảo, ông Hưng không ít lần trao đổi, cảnh báo người dân nhằm tránh thiệt hại sản xuất. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn dường như vô ích, khi người dân vẫn đổ xô tìm mua những giống cây độc, lạ do tính tò mò.