Giữa lúc chuyển giao quyền lực, phe Trump và Biden dồn dập có động thái rắn với Trung Quốc
Chính quyền Trump cứng rắn với Trung Quốc đến phút cuối cùng
Chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng, các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump một lần nữa đã chỉ trích Trung Quốc như một mối đe dọa lớn.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á do Viện Milken tổ chức hôm thứ Năm, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh một trong những thành tựu lớn nhất của Trump trong 4 năm trên cương vị Tổng thống là những biện pháp mạnh tay với Trung Quốc. “Vị Tổng thống này nhận ra rằng hệ thống thương mại lệch hướng của chúng ta cần được thiết lập lại cả về mặt mục tiêu và nhận thức, và rằng chúng ta cần đối phó với Trung Quốc - nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới bằng chính sách thương mại rất khác”.
Chỉ hai ngày trước đó, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng tuyên bố tại Hội nghị này rằng Trung Quốc vẫn là "mối đe dọa kinh tế và quân sự chính" ở châu Á.
Ông Robert Lighthizer, một trong những cánh tay đắc lực của Tổng thống Trump từ lâu đã cáo buộc các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đang gây tổn thất đáng kể cho nước Mỹ nói riêng và các nền kinh tế khác trên toàn cầu nói chung. Chẳng hạn, ông Lighthizer cho rằng hoạt động trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và buộc chuyển giao công nghệ của công ty nước ngoài cho đối tác Trung Quốc đang bóp méo môi trường thương mại lành mạnh.
Nhiều quốc gia khác trên thế giới đã chia sẻ mối quan ngại của Mỹ trong vấn đề Trung Quốc. Một số chuyên gia quan sát chỉ ra rằng dưới thời Trump, chính quyền Trump thường chọn các biện pháp đối đầu đơn phương với Bắc Kinh như chiến tranh thuế quan, hạn chế thương mại... Nhưng ông Robert Lighthizer khẳng định đã làm việc với các đồng minh để kiềm chế đối thủ Đông Á này. Theo vị Đại diện Thương mại Mỹ, trong suốt 4 năm qua, ông đã nhiều lần tham gia các cuộc gặp gỡ ba bên gồm Mỹ, EU và Nhật Bản để thảo luận các vấn đề như quy tắc thương mại của WTO. “Tuy nhiên, Mỹ không thể cho phép các đồng minh phủ quyết những quyết định liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia Mỹ” - ông Lighthizer khẳng định.
Dù chưa chính thức tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nhiều lần làm rõ rằng ông sẽ có cách tiếp cận khác với Trump về vấn đề Trung Quốc. Một trong những khác biệt rõ rệt nhất là chính quyền Biden sẽ tìm cách làm việc với các đồng minh thân cận ở cả châu Á và châu Âu để đưa ra “chiến lược chặt chẽ” về Trung Quốc.
Biden báo hiệu chính sách mạnh tay với Bắc Kinh
Khi phe Trump tăng cường chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc trong những ngày cuối cùng nắm quyền ở Nhà Trắng, chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đang có những bước tiến mới. Ông Biden hôm 10/12 đã chỉ định bà Katherine Tai, một luật sư kỳ cựu có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, là lựa chọn cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ trong chính quyền nhiệm kỳ tới.
Nếu được Thượng viện thông qua, bà Katherine Tai sẽ là phụ nữ gốc Á đầu tiên lãnh đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ - cơ quan có nhiệm vụ thực thi quy tắc nhập khẩu và điều chỉnh các điều khoản thương mại của Mỹ với các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc.
Lựa chọn bà Katherine Tai có thể báo hiệu cách tiếp cận đa phương để thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden, đồng thời không quên cứng rắn đối phó với sự cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng từ Trung Quốc. Bà Tai sẽ thế chỗ cánh tay đắc lực của Tổng thống Trump là ông Robert Lighthizer, một quan chức nổi tiếng mạnh tay với Bắc Kinh - người đã tham gia cùng Trump trong cuộc chiến tranh thương mại và áp đặt thuế quan hàng trăm tỷ USD với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chuyên gia quan sát nhận định mặc dù bà Tai có thể ủng hộ cách tiếp cận đa phương hơn ông Lighthizer. Nhưng trên tư cách lãnh đạo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhiều khả năng các chính sách của bà này sẽ không giúp Bắc Kinh dễ thở hơn. Trong nhiều năm qua, bà từng nhiều lần tuyên bố Mỹ nên giải quyết vấn đề Trung Quốc “một cách mạnh mẽ và có chiến lược”.
“Cả Lighthizer và Katherine Tai đều có kinh nghiệm lâu năm trong việc đối phó với các hành vi thương mại không lành mạnh của Trung Quốc - vấn đề thương mại bức thiết nhất trong thời đại của chúng ta. Nhưng cách tiếp cận của Katherine nhiều khả năng khác biệt ở chỗ bà ấy có thể sử dụng hệ thống thương mại WTO và các đồng minh để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi hành vi” - nhận định của nhà cựu đàm phán hàng đầu Nhà Trắng Clete Willems.
Từ năm 2007 đến năm 2014, bà Tai đã thành công trong hàng loạt vụ kiện chống lại Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Trong khi đó, ông Lighthizer thường chọn cách tiếp cận trực tiếp hơn như trừng phạt thuế quan do thất vọng với bộ máy quan liêu của WTO.
Dân biểu Don Beyer từ bang Virginia cũng ủng hộ lựa chọn của chính quyền Biden, cho rằng Katherine Tai sẽ là lựa chọn thông minh cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ. “Bà ấy chính xác là kiểu lãnh đạo phù hợp để điều chỉnh các chính sách thương mại của Mỹ trở nên hợp lý hơn, khôi phục sự ủng hộ của các đồng minh Mỹ trên toàn cầu”.