Gói tín dụng nhà ở xã hội 145.000 tỷ đồng: Sắp giảm thêm 1% lãi suất?

11/02/2025 15:02 GMT +7
Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất tiếp tục hạ thêm 1% lãi suất, tính tổng là giảm 3% và kéo dài thêm thời hạn 5 năm nữa thành 10 năm để gia tăng cao hơn nữa tính hấp dẫn. Tuy nhiên, việc này cần có ý kiến phối hợp của các đơn vị liên quan để Chính phủ có quyết định chính thức

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát ngày 11/2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định dù sang năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng trưởng trên 8%, thậm chí phấn đấu đạt 10%.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó khi kinh tế thế giới tiếp tục biến động và các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản chưa thực sự ổn định.

Trước tình hình này, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN năm 2025, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đề xuất tiếp tục hạ thêm 1% lãi suất cho gói tín dụng nhà ở xã hội 145.000 tỷ đồng

Đối với điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, cơ quan này sẽ theo dõi sát sao diễn biến kinh tế toàn cầu, từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, NHNN sẽ điều tiết lãi suất một cách hợp lý, yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến đạt 16%. NHNN sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng, đảm bảo dòng vốn chảy mạnh vào sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với tín dụng ngành, lĩnh vực đáng chú ý như nông nghiệp, nông thôn. NHNN đã phối hợp các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP trong tháng 3/2025.

Riêng đối với Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, NHNN sẽ rà soát để xem xét chỉ đạo các TCTD tiếp tục nâng quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng và mở rộng phạm vi đối tượng thành lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Về lĩnh vực bất động sản, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, cung ứng vốn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

NHNN đã đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ (hiện nay quy mô là 145.000 tỷ đồng) và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

"NHNN đang đề xuất tiếp tục hạ thêm 1% lãi suất, tính tổng là giảm 3% và kéo dài thêm thời hạn 5 năm nữa thành 10 năm để gia tăng cao hơn nữa tính hấp dẫn, tuy nhiên việc này cần có ý kiến phối hợp của các đơn vị liên quan để Chính phủ có quyết định chính thức", đại diện NHNN nói.

Đặc biệt, tín dụng xanh và tín dụng cho các dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên. NHNN cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn nhanh chóng, thông qua việc mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi.

"Các các mục tiêu dự kiến đã đặt ra nhưng chắc chắn trong quá trình điều hành, NHNN sẽ tùy tình hình thực tế từng tháng, từng quý mà có thể chỉ tiêu bổ sung có, thực hiện chủ trương điều hành linh hoạt phù hợp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Áp dụng công nghệ số trong cấp tín dụng

Ngoài ra, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng và khách hàng vay vốn. Một trong những điểm nhấn là áp dụng công nghệ số trong cấp tín dụng, giúp quy trình vay vốn trở nên minh bạch, nhanh chóng hơn.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để tháo gỡ khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; khơi thông các nguồn vốn trong nền kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường đầu tư xã hội, thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao để tạo hiệu quả đồng bộ cùng vốn tín dụng ngân hàng;

Đồng thời, củng cố các yếu tố nền tảng để thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong trung dài hạn; giải phóng các nguồn vốn còn nằm đọng nhiều năm nay tại các dự án hạ tầng, dự án BĐS và một số dự án ngành Công thương, trong đó vốn tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ các thị trường tài chính hỗ trợ phát triển thị trường vốn...


L. Anh