Grab thúc đẩy chốt thỏa thuận SPAC để IPO tại Mỹ vào cuối năm nay

03/08/2021 10:03 GMT+7
Grab đang trong lộ trình phát hành lần đầu công khai (IPO) tại Mỹ vào cuối năm nay.

Là một trong những kỳ lân khởi nghiệp công nghệ lớn nhất Đông Nam Á, Grab hiện đã mở rộng hoạt động ra hàng loạt lĩnh vực từ đặt xe, giao đồ ăn cho đến thanh toán di động.

Hồi tháng 4 năm nay, Grab đã tiết lộ kế hoạch niêm yết trên Nasdaq thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là Altimeter Growth. Altimeter Growth là SPAC trực thuộc tập đoàn Altimeter Capital Management có trụ sở tại Thung lũng Silicon, hiện quản lý khối tài sản khoảng 16 tỷ USD.

SPAC là các công ty vỏ bọc, hoạt động nhằm sáp nhập với một doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động với mục tiêu niêm yết trên sàn giao dịch để huy động vốn thông qua các thương vụ IPO. Từ năm ngoái, làn sóng SPAC đang ngày một phổ biến trên thị trường. Theo Reuters, các thương vụ SPAC đã huy động được số tiền kỷ lục 82 tỷ USD thông qua hoạt động IPO trong năm 2020. Xu hướng này đang có dấu hiệu tăng tốc trong năm 2021.

Grab thúc đẩy chốt thỏa thuận SPAC để IPO tại Mỹ vào cuối năm nay - Ảnh 1.

Grab thúc đẩy chốt thỏa thuận SPAC để IPO tại Mỹ vào cuối năm nay (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Vào tháng 6, Grab cho biết thương vụ sáp nhập SPAC đã được đẩy lùi sang quý IV/2021 khi các kiểm toán viên thực hiện công tác kiểm toán tình hình tài chính của kỳ lân công nghệ này trong 3 năm qua. Sự trì hoãn diễn ra trong bối cảnh Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) thắt chặt giám sát các thương vụ SPAC. 

Chủ tịch Grab Ming Maa cho biết hôm 2/8: “Chúng tôi vẫn đang trên đà hoàn tất đề xuất sáp nhập với Altimeter Growth Corp. vào cuối năm nay". 

Hiện Grab có 4 cổ đông chính  SoftBank Vision Fund, Uber Technologies, Didi Chuxing và Toyota Motor. Một khi kế hoạch sáp nhập với Altimeter Growth Corp. hoàn tất, Grab sẽ có sáu thành viên hội đồng quản trị, bao gồm cả nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Grab Anthony Tan. 

Cũng trong ngày 2/8, Grab đã công bố báo cáo kinh doanh quý I/2021. Báo cáo ghi nhận khoản lỗ ròng 652 triệu USD trong quý, giảm so với mức lỗ 771 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa giao nhận qua nền tảng này (GMV) trong quý đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu dịch vụ giao hàng thực phẩm và tạp hóa tăng lên.

Báo cáo của Grab cho thấy giá trị hàng thực phẩm và tạp hóa giao nhận đạt 1,7 tỷ USD, tăng 49% trong năm tài chính. Tính trong quý I/2021, doanh thu tuần mảng giao nhận hàng thực phẩm và tạp hóa đạt 293 triệu USD, tăng 144 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh thu mảng GrabMart tăng tới 36 lần so với quý I/2020. Đà tăng của mảng này tỷ lệ nghịch với sự lao dốc 36% của hoạt động vận chuyển hành khách khi dịch Covid-19 buộc nhiều quốc gia Đông Nam Á tiến hành các biện pháp hạn chế di chuyển, phong tỏa kiểm dịch. 

Grab không tiết lộ báo cáo kinh doanh quý II/2021, nhưng Giám đốc tài chính Peter Oey cho biết trong một tuyên bố gần đây rằng Grab đã ‘chứng kiến khả năng phục hồi liên tục và hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của doanh nghiệp” trong quý.

Kỳ lân công nghệ Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa giao nhận qua nền tảng 16,7 tỷ USD trong cả năm 2021, tức tăng khoảng 35% so với mức 12,5 tỷ USD đạt được vào năm 2020.

Tuy nhiên, sự bùng phát làn sóng tiếp theo của đại dịch Covid-19 tại một số quốc gia Đông Nam Á gần đây do biến thể delta đang đặt ra thách thức lớn với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là mảng vận chuyển hành khách của Grab. 


NTTD
Cùng chuyên mục