Hà Nội cần hơn 332.000 tỷ để đầu tư 460 dự án giao thông

30/05/2021 06:50 GMT+7
Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hiện, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có khoảng 460 dự án, nhu cầu vốn đầu tư lên tới hơn 332 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có 451 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP, 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP kết hợp đầu tư công. Tổng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này lên đến hơn 332 nghìn tỷ đồng.

Trong số các dự án trên, có 143 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 317 dự án mới. Dự kiến, trong giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành 443 dự án và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030 17 dự án.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, danh mục trên được đơn vị này tổng hợp theo nhu cầu và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, dựa trên 3 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất phải phù hợp với định hướng quy hoạch và bảo đảm khả thi cũng như khả năng cân đối nguồn lực. 

Hà Nội cần hơn 332 nghìn tỷ để đầu tư 460 dự án giao thông, - Ảnh 1.

Cầu Thăng Long, TP Hà Nội.

Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên được xem xét, đánh giá, lựa chọn trên cơ sở tầm quan trọng, vai trò của công trình trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải kết hợp các điều kiện về thủ tục đầu tư liên quan đến công trình.

Thứ hai là thực hiện đầu tư tập trung, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường bảo đảm tính kết nối đồng bộ của mạng lưới hạ tầng giao thông.

Thứ ba là giải tỏa ùn tắc giao thông, khắc phục "điểm đen" tai nạn giao thông, phục vụ an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó tăng cường khả năng kết nối liên vùng và nội vùng, trong đó, tập trung hoàn thiện kết nối đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô.

Hiện nay, tuyến đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/4/2014 với hướng tuyến đi qua 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc).

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai V- vùng Thủ đô (trên địa bàn tỉnh Bắc Giang) được đánh giá là sẽ góp phần hình thành trục giao thông kết nối ngang rất quan trọng kết nối trực tiếp đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng như tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cao tốc Nội Bài - Hạ Long (trong tương lai).

Sau khi tuyến đường được đầu tư sẽ tạo không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp cho các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Tuyến đường hoàn thành sẽ là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trong vùng và của tỉnh.

Theo quy hoạch đường vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ nút giao Quốc lộ 37 đến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (từ Km0-Km21+200) đầu tư với quy mô đường cao tốc 6 làn xe; đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến hết địa phận tỉnh Bắc Giang (Km21+200 - Km35+200) đầu tư với quy mô tiêu chuẩn cấp II đồng bằng.




Thế Anh
Cùng chuyên mục