Hàng không "cầu cứu" muốn vay vốn ưu đãi lãi suất 0%

03/12/2021 07:12 GMT+7
Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) vừa tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng với lãi suất 0%.

Thâm hụt dòng tiền

Hiệp hội này trình bày về việc các hãng hàng không đang lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80- 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện."

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các hãng hàng không, VABA đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).

Hàng không "cầu cứu" muốn vay vốn ưu đãi lãi suất 0% - Ảnh 1.

Các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: CTV

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (nhà nước cấp bù lãi suất 4 - 5%) nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch.

Cùng với những nội dung nêu trên, VABA đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế Bảo vệ môi trường được quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành, tức là về mức 1.000 đồng/lít.

Về mức phí, khung giá hỗ trợ theo thông tư của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, VABA đề nghị Bộ GTVT cho phép áp dụng mức hỗ trợ theo hướng: Từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022, áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Đồng thời, đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch. Lý do cần ưu tiên hỗ trợ hãng hàng không là vì ngành hàng không có tính lan tỏa rộng, là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước.

Theo báo cáo của các hãng hàng không, với đặc thù chi phí đầu tư, vận hành rất lớn (năm 2019, trung bình mỗi ngày Vietnam Airlines chi hết 268 tỷ đồng, Vietjet Air chi hết 128 tỷ đồng).

Trong khi dịch Covid-19 khiến nguồn thu sụt giảm mạnh đã đẩy nhiều hãng hàng không vào tình thế khó khăn, kiệt quệ về tài chính. Nguồn thu giảm mạnh nhưng chi thường xuyên của các hãng vẫn rất lớn, như chi trả tiền thuê, mua tàu bay; trả nợ, lãi ngân hàng; chi bảo hiểm; bảo dưỡng; chi trả lương.

Các hãng hàng không nộp ngân sách hàng nghìn tỷ

Dù gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 nhưng hàng không là điểm sáng phòng, chống dịch, đóng góp tích cực trong việc kích cầu du lịch, giải cứu công dân, an sinh xã hội, chuyên chở y, bác sỹ và lực lượng phòng chống dịch, chở miễn phí vaccine, thiết bị y tế...

Hàng không "cầu cứu" muốn vay vốn ưu đãi lãi suất 0% - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 đã khiến các hãng hàng không thâm hụt vốn. Ảnh: CTV

Theo đánh giá của VABA, hàng không có triển vọng bùng nổ phát triển sau dịch rất cao, đặc biệt là hàng không tư nhân. Ở Thái Lan, dân số tương đương 75% Việt Nam, nhưng có đến 15 hãng hàng không.

Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dự địa phát triển của thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn, triển vọng đóng góp, hỗ trợ trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của các hãng hàng không còn nhiều.

Thông tin thêm, đại diện VABA cho hay: "Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan toả kinh tế tới các ngành khác; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch."

Đóng góp ngân sách hàng năm của ngành hàng không ngày càng quan trọng. Chỉ tính riêng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Tổng công ty Cảng hàng không ViệtNam, Tổng công ty Quản lý bay Viêt Nam đã đóng góp trên 22.000 tỷ đồng thuế và phí trong năm 2019, tương đương đứng trong top 10 tỉnh, thành phố nộp ngân sách lớn nhất nước.

Riêng Vietjet Air nộp ngân sách tăng hàng năm, từ 4.200 tỷ đồng năm 2016 lên 9.000 tỷ đồng năm 2019. Năm 2020, dù thiệt hại nặng vì dịch nhưng Vietjet Air vẫn nộp ngân sách 2.800 tỷ đồng

Thế Anh
Cùng chuyên mục